Thời gian gần đây, Bình Thuận nổi lên như một điểm đến thú vị đối với nhiều du khách. Riêng với tôi, sức hút về vùng đất này còn có một lý do quan trọng hơn, ấy là trở về miền đất của một thời trai trẻ mà mình đã từng gắn bó.
Cuối những năm 70, đang công tác ở Đoàn địa chất 702 Đức Cơ, Gia Lai, tôi được chọn vào thành phần cán bộ nguồn để thành lập Đoàn địa chất 705 ở Thuận Hải (tức Ninh Thuận và Bình Thuận). Thời gian đầu, đoàn đóng ở Phan Rí Cửa, trên một bãi cát trắng, lác đác vài cây đào lộn hột bỏ hoang và những ngôi mộ Chăm cổ. Sau một thời gian xây dựng “cơ sở hạ tầng”, chúng tôi bắt đầu lội ngang dọc khắp nơi để thăm dò, tìm kiếm nước ngầm cho hai tỉnh khô cằn nhất Việt Nam. Đối với dân địa chất, ấn tượng sâu đậm nhất về vùng đất này là những đồi cát đỏ rất đặc trưng trải dài ngút mắt, mà sau này một trong số những đồi cát ấy ở Mũi Né đã hình thành nên một con suối đẹp nhất và kỳ lạ nhất không chỉ ở Việt Nam mà có thể là cả thế giới nữa.
Hồi đó chưa có cái tên Suối Tiên vì mãi sau này Suối Tiên mới hình thành do mưa gió lâu ngày làm xói lở triền cát, tạo nên một cái thác nhỏ và một con suối chảy theo triền cát. Do kết cấu của các lớp cát không đồng nhất, cát mềm bị nước mưa cuốn trôi đi, còn lại lớp cát cứng tạo thành những bờ vách hình thù kỳ dị như thạch nhũ trong hang động, chẳng khác gì hẻm núi Grand Canyon nổi tiếng bên bờ sông Colorado ở tiểu bang Arizona của Hoa Kỳ. Chẳng những thế, Suối Tiên còn độc đáo hơn vì cát vừa có màu đỏ tươi vừa có màu trắng xen kẽ nhau, tạo thành một bức tranh sắc màu độc đáo. Lòng suối phủ một lớp cát đỏ nén chặt, bằng phẳng, nước suối cũng màu đỏ, lấp xấp mắt cá. Chân trần lội bộ, một cảm giác thú vị không thể diễn tả. Du khách Việt và du khách nước ngoài, từng đoàn lội ngược xuôi, nước văng tung tóe, bấm máy liên tục.
Lại nói về những ngày ở Phan Rí Cửa. Hôm nào gió to, cát bay rào rào như ném vào mặt, chúng tôi phải đóng kín cửa suốt ngày, còn những ngôi mộ cổ nằm rải rác trong sân thì gây khó khăn trong việc vận chuyển các thiết bị địa chất. Chi bộ họp, ra nghị quyết phải bốc dỡ những ngôi mộ cổ đưa ra nghĩa trang và giao công việc quan trọng này cho Đoàn Thanh niên. Tôi làm bí thư Đoàn, vừa háo hức vừa sợ, nhưng vẫn vào làng hỏi mượn búa tạ, xà beng, cuốc xẻng, rồi tìm gặp các bô lão hỏi ý kiến, nhờ một số người giúp việc cúng vái, cất bốc. Những ngôi mộ cổ, không biết được xây bằng thứ vật liệu gì mà mỗi cú đập búa tạ của trai lực điền chỉ mẻ một miếng bằng mấy ngón tay. Các cụ bảo, vữa xây được làm từ mật mía, tro, vôi, cát, vừa cứng vừa dai. Sau mấy ngày đánh vật với phần nổi, đến phần chìm, có người dọa, coi chừng ma Hời vặn cổ, tôi càng hoảng, lại nhờ các ông già cúng vái nghiêm túc rồi mới dám đào lên. Mọi con mắt đổ dồn vào, nhưng mấy trăm năm chẳng còn lại dấu vết gì, cũng chẳng có mẩu vàng bạc châu báu nào như trong truyện thám hiểm. Kết quả là cuối năm tôi được bầu là lao động tiên tiến, may mà không bị truy tố vì tội xâm phạm nơi yên nghỉ của các bậc tiền nhân.
Cứ tưởng sau cái vụ bốc mộ là có thể an cư lạc nghiệp, nhưng hóa ra đó mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi đào giếng trong khuôn viên cơ quan để lấy nước sinh hoạt, cái đầu tiên, nước lờ lờ như nước ốc, tắm giặt cũng không dám chứ đừng nói đến chuyện ăn uống, cái thứ hai, cũng chẳng hơn mấy, chúng tôi đành phải đi ra cái giếng cổ cách cơ quan gần cây số, nước trong vắt, vừa lấy nước ăn uống, vừa tắm giặt, hàng ngày phân công nhau xách nước về cho nhà bếp. Hơn một năm đánh vật với cát và nước, cả đoàn địa chất, từ đoàn trưởng đến nhân viên đều oải. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo và chính quyền địa phương, chúng tôi “dời đô” lên đồi cát đỏ bên đầu cầu phía nam TX Phan Thiết. Và khi công việc và cuộc sống ở Phan Thiết đã dần đi vào ổn định, tôi lại được điều động về cơ quan Liên đoàn bộ. Vậy là lại “khăn gói quả mướp” quay về Gia Lai.
Những năm tháng ở Bình Thuận để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp và tôi được biết thêm nhiều điều mới lạ. Tôi đến thăm ngôi trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ đã dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn tìm đường cứu nước. Cũng ở Bình Thuận, lần đầu tiên tôi ăn quả đào lộn hột có vị ngọt nhưng ăn nhiều ngứa cổ, còn muốn ăn hạt phải nướng lên, không cẩn thận nó nổ văng vào người phỏng da. Cũng ở đây lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cánh rừng khộp vào mùa khô rực lên một màu vàng sậm rồi nhanh chóng trút lá chỉ còn trơ lại thân cành trắng mốc, cong queo. Lần đầu tiên tôi chạy chiếc xe Honda “cối” từ Tuy Hòa vào Phan Rí Cửa, một mình, gần 300 cây số, tối mịt mới tới, mặt mày cháy đen, may mà xe không hỏng hóc và không gặp tai nạn. Đúng là một thời “điếc không sợ súng”.
Quay trở lại chuyến du ngoạn. Khởi hành sáng sớm từ Tuy Hòa, xe chúng tôi chạy một mạch lên núi Tà Cú, viếng một trong số những ngôi chùa linh thiêng nhất ở khu vực Nam miền Trung. Núi Tà Cú nằm ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cách TP Phan Thiết khoảng 30km về phía nam. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa thường gọi là chùa Núi, do nhà sư Trần Hữu Đức (1812-1887) pháp danh Thông Ân, pháp hiệu Hữu Đức là người Phú Yên vào tu hành và lập nên ngôi chùa vào năm 1872. Kể từ khi lên núi cho đến khi viên tịch, nhà sư không một lần bước chân xuống núi nữa. Nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi, nên đến năm Tự Đức thứ 33 (1880) khi hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, mặc dù được dời về triều nhưng ông chỉ gửi người xuống chữa cho hoàng thái hậu khỏi bệnh. Trên chùa có bức tượng phật nằm bằng đá dài 49m - dài nhất Đông Nam Á và bức tượng Phật ngồi tạc vào đá núi nguyên khối cao 3m. Để lên ngôi chùa ở độ cao gần 400m phải đi cáp treo, 180.000 đồng/người/lên xuống. Thế mới biết đường lên chùa khó khăn thế nào.
Khi chúng tôi vừa leo lên đến chùa thì một cơn mưa tầm tã bất chợt đổ xuống kéo dài mãi không dứt. Một nữ du khách bảo, lên chùa trên núi mà gặp cơn mưa thế này là may lắm đấy, sẽ mang đến rất nhiều tài lộc cho người đến viếng. Tôi trộm nghĩ, tài lộc đâu chưa thấy, nhưng cứ mưa miết thế này làm sao lên viếng được hai bức tượng phật trên đỉnh núi. Anh trưởng nhóm nhìn trời nhìn đất bảo, chắc đến 3 giờ chiều mưa sẽ tạnh. Y như rằng, đúng 3 giờ mưa ngớt, mọi người ồ lên kinh ngạc, có người bảo, đức Phật thương tình nghe thấu tâm nguyện nên chiếu cố, người lại phán, trưởng nhóm có tài hô phong hoán vũ. Tôi chẳng biết mô tê gì, nhưng cũng vội vàng mua áo mưa tiện lợi đi tham quan tiếp.
Đến Phan Thiết mà không ghé nhà nữ sĩ Mộng Cầm và Lầu Ông Hoàng thì quả là có lỗi với một thi nhân tài hoa bạc mệnh. Lầu Ông Hoàng vốn là một khu biệt thự hoành tráng do công tước người Pháp De Montpensier xây dựng vào năm 1911 trên ngọn đồi Bà Nài, nên được người dân quen gọi là đồi “Lầu Ông Hoàng”. Sau này khu biệt thự được bán lại cho chủ khách sạn Prasetts, rồi vua Bảo Đại. Đây từng là nơi hò hẹn của thi sĩ Hàn Mặc Tử với người tình mê đắm. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, giờ đây Lầu Ông Hoàng chỉ còn là phế tích với cái tháp canh của Pháp xây ngày xưa, lối vào cỏ mọc um tùm, thậm chí còn bị rào lại để đảm bảo an toàn cho du khách. Chúng tôi bước trên phế tích, chụp hình bên tháp canh và nhớ về chàng thi sĩ họ Hàn.
Chợt một giọng ca của ai đó run run cất lên: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng…”.
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP