Thứ Tư, 02/10/2024 05:41 SA
“Tuần tra” bảo vệ cá sấu Xiêm
Thứ Hai, 20/08/2007 14:00 CH

Cá sấu Xiêm ở bàu Hà Lầm (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh) khi thì nằm gác đầu mơ màng trên những đám bèo tây, khi lên bờ và... dính bẫy thú rừng, khi lại xông rách lưới đánh cá của người dân... Loài cá sấu này trước đây có rất nhiều ở Sông Hinh, nhưng bây giờ thì chỉ còn vài con và nơi đây được coi là duy nhất ở Việt Nam còn sót lại loài cá sấu đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới này. Chúng tôi đã tham gia cùng đội xung kích bảo vệ cá sấu để đi “tuần tra” vùng bàu nơi cá sấu Xiêm đang sinh sống.

 

070820-bauchao.jpg

Anh Ksor Y Hoa đang chỉ tay về nơi anh phát hiện ra cá sấu vào cuối tháng 7/2007 tại Bàu Chao. Đứng bên cạnh là đội trưởng đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm - anh Nguyễn Minh Khai -  Ảnh: K.DUY

 

Đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm được thành lập vào tháng 11/2006, gồm 8 người là cán bộ lẫn người dân ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, được Viện Sinh học Nhiệt đới (SHNĐ) hỗ trợ tiền xăng và một khoản “công tác phí” tượng trưng hàng tháng. Theo anh Nguyễn Minh Khai, đội trưởng, cứ mỗi tuần là đội đi kiểm tra vùng bàu Hà Lầm – nơi được các nhà khoa học phát hiện có cá sấu Xiêm – ba lần, mỗi lần cắt cử hai người đi. Hôm chúng tôi đến là đến phiên “trực” của anh Khai và anh Ma Dem, người Ê đê ở buôn Bai. Đi với chúng tôi còn có anh Ksor Y Hoa, hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Ea Lâm, người cũng khá hiểu biết về cá sấu ở bàu Hà Lầm.

 

CÁ SẤU BÀU HÀ LẦM

 

Từ đường cái quan được bà con mở ra giữa khu rừng rộng lớn, để đến được với bàu Hà Lầm, phải băng qua nhiều đám rẫy sắn, lúa, dưa... của đồng bào mà một người lần đầu “đi tuần” như tôi không thể xác định được phương hướng. Qua hết rẫy là chui thẳng vào rừng. Một lối đi rất nhỏ hẹp và đầy gai nhọn trên đầu dưới chân  hiện ra, anh Khai và Ma Dem trở thành người dẫn đường mở lối để chúng tôi đi phía sau được dễ dàng hơn.

 

070820-sau1.jpg

Dấu vết bụng cá sấu Xiêm phát hiện tại bàu Hà Lầm (Ea Lâm, Sông Hinh) - Ảnh: Viện SHNĐ

 

Bàu Hà Lầm là một cái bàu hẹp, chiều ngang chừng vài chục mét, nhưng dài thì hàng cây số. Ở phía thượng nguồn, bàu rộng hơn với những cây gỗ lớn giữa lòng. Nhưng càng về phía cuối, bàu càng hẹp lại, trên mặt nước ken dày cỏ và bèo tây. Ở phần cuối bàu Hà Lầm, người dân địa phương gọi là bàu Chao, có hai con lạch nhỏ nối với sông Ba ở hướng huyện Sơn Hòa, là nơi mà các anh trong đội bảo vệ cho biết cá sấu thường xuất hiện nhất. Không gian rừng núi khá yên tĩnh, chỉ có tiếng ve ran và tiếng hót của nhiều loài chim. Môi trường sống này, theo các nhà khoa học đã khảo sát ở đây, là rất phù hợp đối với loài hoang dã như cá sấu Xiêm.

 

Chỉ tay về phía cuối bàu Chao, anh Ksor Y Hoa kể: “Mới cuối tháng 7 vừa rồi, buổi tối tôi đi bắn cu xanh ở bàu Chao này, khi rọi đèn pin thì phát hiện ra đôi mắt của cá sấu ở hướng đó. Nhìn kỹ thì thấy cái đầu của nó, khá to, chiều ngang độ cỡ 30cm, đang gác lên trên đám cỏ”. Đội trưởng Nguyễn Minh Khai cho biết, trong 1 năm qua, đội bảo vệ đã phát hiện cá sấu Xiêm xuất hiện 4 lần, còn người dân báo cáo thì khoảng 6-7 lần. “Giữa tháng 6 vừa rồi, đội chúng tôi còn chụp được hình chú cá sấu ở bàu Chao này!” – anh Khai nói.

 

Ma Dem có lẽ là người gặp cá sấu Xiêm nhiều nhất so với bà con địa phương cũng như các anh em trong đội xung kích bảo vệ. “Mấy năm trước, khi mình đánh lưới bắt cá ở đoạn giữa bàu Chao và bàu Hà Lầm thì bị cá sấu phá rách lưới sạch trơn. Rồi năm ngoái, khi đội bảo vệ này chưa lập ra, mình phát hiện một chú cá sấu bị dính bẫy của dân bẫy trộm heo rừng, may mà chỉ cái chân của chú dính vô sợi dây bẫy, không bị thương tích gì. Mình phải chặt cái sợi dây đó để cho chú bò xuống bàu trở lại...” – anh kể khi đang ngó nghiêng trên các đám bèo tây xem cá sấu có xuất hiện hay không.

 

Theo lời Ksor Y Hoa, khi anh còn nhỏ, cách đây khoảng 20 năm, cá sấu ở bàu Hà Lầm và bàu Chao nhiều vô kể. Trẻ nhỏ không bao giờ dám đến gần bàu vì sợ sấu ăn thịt. “Lớn hơn một chút, khi chúng tôi đi bắn chim thì cũng thường gặp ổ trứng cá sấu. Chúng làm ổ rất lạ, bỏ đầy cỏ dưới hố rồi đẻ lên, rồi bỏ tiếp cỏ lên trên trứng để đẻ lớp thứ hai... Ổ cá sấu thường có 3-4 lớp trứng, khoảng 20-30 trứng, to cỡ cườm tay và dài chứ không tròn. Hồi nhỏ tụi tôi còn lấy trứng cá sấu về luộc ăn cơm mà!”

 

Nhưng cá sấu Xiêm bàu Hà Lầm bây giờ hiếm lắm. Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Long ở Viện SHNĐ, theo dấu vết được phát hiện là vân bụng, phân và dấu chân cá sấu, thì có thể khẳng định tại đây có ít nhất là hai cá thể.

 

BẢO VỆ CÁ SẤU, MAI NÀY...

 

Cá sấu Xiêm là gì? Vì sao phải bảo tồn?

 

Cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis), còn gọi là cá sấu nước ngọt. Khác với các loại cá sấu khác, cá sấu Xiêm không hung dữ và không tấn công con người. Loài động vật này có thể sống trên 70 năm nhưng chậm lớn và phải 10 năm mới có thể sinh sản. Khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 3,5m. Cá sấu Xiêm sống ở các sông có dòng chảy chậm, sâu trên 3m hoặc hồ nước lặng, sâu dưới 1,5m. Chúng ưa thích những vùng nước trong rừng hoặc những bờ sông, bờ đầm yên tĩnh.

 

Cá sấu Xiêm là loài cá sấu đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên cao nhất trên thế giới. Hiện nay, chúng chỉ còn hiện diện ở những khu vực có diện tích rất nhỏ ở Campuchia, Indonesia và Lào. Gần đây, người ta tìm thấy dấu vết của cá sấu Xiêm ở sông Hinh và khu vực này trở thành địa danh duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam được biết hiện còn có cá sấu Xiêm hoang dã sinh sống.

   

(Nguồn: Viện Sinh học Nhiệt đới)

Nhiệm vụ của đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm là thường xuyên đi tuần tra để vận động, tuyên truyền bà con không đánh bắt cá bằng xung điện, bẫy thú, săn bắt... gây nguy hiểm đến cá sấu cũng như làm mất cân bằng môi trường sống của chúng. Anh Khai cho hay, hàng tháng đội đều có báo cáo gởi cho Viện SHNĐ với các nội dung khá chi tiết. “Báo cáo ghi rõ từ những mối nguy được cho là đe dọa đến cá sấu Xiêm như bẫy, cháy, chặt cây quanh bàu... và cách xử trí đến những thông tin ghi nhận về cá sấu, tin tức về cá sấu do người khác kể lại, tin tức về săn bắt cá sấu hay cá sấu chết nếu có; thậm chí nếu có ai phàn nàn về cá sấu, động vật khác chết trong khu vực cá sấu sống cũng được báo cáo rõ” – anh Khai nói.

 

Hôm tôi cùng các anh đi tuần, không nhìn thấy cá sấu, nhưng cũng không phát hiện điều gì bất thường trong khu vực hoang vắng của bàu Hà Lầm, bàu Chao, các anh trong đội tỏ ra khá vui. Ma Dem bảo, “tai, mắt” của các anh ở đây nhiều lắm. Đó chính là những người dân đang làm rẫy ở vùng lân cận. “Tụi tôi tuyên truyền vận động bà con đừng để những con cá sấu ít ỏi còn lại ở bàu Hà Lầm mất đi thì mình mất tự hào! Mấy anh ở Viện SHNĐ nói rằng loại cá sấu ở bàu này là loài quý hiếm lắm, có nguy cơ biến mất trên thế giới, chúng là di sản tự nhiên của thế giới đấy. Bởi vậy, chỉ cần nghĩ chúng còn sống ở chỗ tụi mình là phải giữ, để mai mốt con cháu được biết chứ” – Ma Dem phấn khích. Trên đường đi, gặp Oi Gú và vợ đang làm cỏ cho rẫy lúa, Ma Dem đứng lại hỏi thăm bằng tiếng Ê đê, rồi anh quay sang chúng tôi: “Tôi hỏi Oi Gú có người lạ nào đến đây trong hai ngày nay không và dặn ông nếu có thì báo giùm để tụi tôi biết”.

 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long ở Viện SHNĐ rất an lòng với đội xung kích bảo vệ cá sấu Xiêm ở xã Ea Lâm: “Tuy không được nhiều tiền, nhưng những người trong đội đã làm việc không chỉ trách nhiệm cao mà còn có cả sự say mê. Họ đã thực sự nhận ra giá trị của cá sấu Xiêm đối với khoa học và môi trường. Nhờ họ, cá sấu Xiêm bàu Hà Lầm không bị xâm hại”.

 

Nhưng điều mà các nhà khoa học cũng như đội bảo vệ cá sấu bàu Hà Lầm lo lắng, đó chính là vào tháng 10 này, nước trong hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ tràn vào đây, bàu Hà Lầm chìm sâu trong nước, không biết cá sấu Xiêm sẽ còn hay mất. “Chúng tôi chưa tìm ra giải pháp nào để bảo vệ cá sấu Xiêm. Điều khó khăn là hiện chưa điều tra chính xác ở đây có bao nhiêu cá thể, bởi việc bảo tồn chỉ được thực hiện khi số lượng cá sấu nhiều và có khả năng sinh sản. Khi nước lòng hồ thủy điện dâng lên, cá sấu Xiêm ở bàu Hà Lầm, bàu Chao có thể sống trong vùng bán ngập ở khu vực lân cận các bàu này. Tuy vậy, với diện tích quá lớn của lòng hồ, người ta đánh bắt cá bằng các dụng cụ gây nguy hại môi trường, thì nỗi lo mất cá sấu Xiêm Sông Hinh là điều có thể thành hiện thực” – Tiến sĩ Vũ Ngọc Long nói.

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tay không nối xương
Thứ Hai, 13/08/2007 07:28 SA
Thao thức với tôm hùm
Thứ Ba, 31/07/2007 07:00 SA
Sắc màu cá cảnh biển
Chủ Nhật, 29/07/2007 07:00 SA
Một lần tiễn con đi...
Thứ Sáu, 27/07/2007 08:40 SA
Cả làng đi... chắt nước
Thứ Ba, 17/07/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek