Thứ Bảy, 23/11/2024 11:54 SA
Campuchia - lạ mà quen
Bài 1: Những ấn tượng đầu tiên
Thứ Bảy, 17/05/2014 14:00 CH

Vừa bước qua khẩu Mộc Bài, sang đất Campuchia, đập ngay vào mắt chúng tôi là những tòa nhà đồ sộ, kiến trúc đẹp mắt, nằm san sát bên quốc lộ.

 

Cứ tưởng công sở, nhưng cậu hướng dẫn viên người Campuchia, tên Việt là Dinh, mỉm cười bảo: “Casino đấy”. Rồi không chờ cho du khách hết ngạc nhiên, cậu tiếp luôn: “Tất cả các sòng bạc này chủ yếu là để phục vụ người Việt”. Mọi người trong xe như lặng đi. Những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến chuyện này, nhưng phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết quy mô của nó. Theo lời Dinh, có đến chín mươi phần trăm con bạc ở đây là người Việt. Với cuốn hộ chiếu, bất cứ người nào cũng có thể dễ dàng sang đây đánh bạc, nhưng không có hộ chiếu cũng chẳng sao, đã có sẵn đoàn xe ôm túc trực, chạy vòng qua cửa khẩu, năm trăm ngàn VNĐ hai lượt đi về.

Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia ở thủ đô Phnom Penh - Ảnh: M.HIỆP

 

Chạy thêm chục cây số nữa, trước mắt chúng tôi hiện lên những cánh đồng cỏ cháy khô hạn, lác đác dăm cây thốt nốt, hoàn toàn khác với những cánh đồng xanh ngắt trải dài đến tận chân trời của Việt Nam. Hỏi ra mới biết, ở Campuchia không có hệ thống thủy lợi, nông dân chỉ trồng một vụ nhờ nước trời, giờ đang là mùa khô, đất bỏ hoang. Làng xóm hai bên đường, nhà sàn lợp tôn, vài con bò thơ thẩn bên các đống rơm gợi nhớ đến những ngôi làng Việt của một thời chưa xa và vẫn còn hiện diện đâu đó ở vùng sâu vùng xa. Nhà sàn ở nông thôn có nguồn gốc từ thời xa xưa, chủ yếu là để chống lũ lụt, thú dữ và rắn độc. Ban đêm, thang được kéo lên, nên cũng rất trở ngại cho các cặp trai gái yêu nhau. Những hàng cây thốt nốt đặc trưng cho vùng đất này, không được trồng thành vườn như các loại cây ăn trái khác vì không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây thốt nốt có hai loại, cây đực và cây cái, cây đực phải mười năm mới cho nước để làm đường, còn cây cái chỉ ra hoa. Đến mùa, trái già rụng xuống, mưa lũ cuốn trôi đến đâu, nảy mầm sinh trưởng ở đó.

 

Trái ngược hẳn với nhà cửa, những chiếc cổng chào ở Campuchia được xây dựng rất hoành tráng, nhất là cổng chùa. Hầu hết các cổng chào đều được thiết kế theo hình tượng đền Angkor, với những họa tiết rất cầu kỳ đẹp mắt, khác hẳn với những chiếc cổng chào của Việt Nam hai trụ xi măng, trên gác tấm biển với hàng chữ “khu phố (hay khu dân cư) văn hóa”. Ngay cả khách sạn 4 sao Smiling, nơi đoàn ở, cửa vào cũng thiết kế theo motip Angkor - âu cũng là một cách để bảo tồn nền văn hóa dân tộc rất cụ thể và hiệu quả. Đến một khu dân cư nào đó, thấy ngôi chùa to, tức là dân làng thuộc diện no đủ, sung túc, còn chùa nhỏ - dân còn nghèo. Nguyên do là vì ở Campuchia, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm cúng dường để xây dựng chùa chiền (cũng là một hình thức xã hội hóa). Người chết được hỏa táng, tro đưa vào chùa để thờ tự. Các gia đình cũng không làm đám giỗ riêng lẻ cho từng người thân, mà cả nước có một ngày giỗ chung vào ngày 8 tháng 10 cho tất cả những người quá cố. Điều này hơi lạ so với phong tục tập quán của người Việt, nhưng nếu xem xét một cách thấu đáo, cũng đáng để suy ngẫm. Ở Campuchia có tất cả 4.514 ngôi chùa, vậy nên đất nước này còn được gọi là đất nước Chùa Tháp. Các đền chùa chỉ thờ duy nhất một vị thần Thích ca, các tín đồ Tiểu thừa được dùng đồ mặn.

 

Xe chạy ngang qua một đám cưới, cậu Dinh không bỏ lỡ cơ hội, giới thiệu ngay: Đám cưới ở Campuchia bao giờ cũng được trang trí bằng hai cây chuối. Một cây có nải sơn màu vàng, cây kia màu bạc. Hai cây chuối tượng trưng cho cặp vợ chồng, còn nải chuối tượng trưng cho con cái (con đàn cháu đống). Trước khi tiến hành hôn lễ, nhà gái được ra giá cho mọi chi phí, nhà trai có thể trả giá, sau khi thống nhất, nhà gái sẽ đứng ra lo toàn bộ chuyện cưới xin, kể cả đám cưới với một trăm ô quả, nhưng đồ vật bên trong quả chủ yếu là trái cây, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Nhân nói chuyện cưới xin, cũng không thể bỏ qua chuyện về cái rèm cửa. Ở Campuchia, rèm cửa sổ có nhiều màu khác nhau, tượng trưng cho từng lứa tuổi, màu hồng là gái chưa chồng. Kể đến đây, Dinh mỉm cười tinh nghịch: “Nhưng các chàng trai chưa vợ cần phải hết sức cảnh giác vì rất có thể bị nhầm lẫn giữa màu hồng và màu đỏ. Nếu màu đỏ, hay màu bóc đô chẳng hạn, thì rất có thể đó là người phụ nữ U40 hay U50 cũng nên”.

Những chiếc cổng chào ở khu dân cư được thiết kế theo hình tượng đền Angkor mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer - Ảnh: M.HIỆP

 

Hết đám cưới lại đến một đám tang. Thấy cũng có kèn, trống, cờ xí, na ná như ở Việt Nam. Điều khác lạ là lá cờ tang màu trắng mang hình con cá sấu. Chuyện kể rằng, ngày xưa có cô gái ra bờ sông dạo chơi, chia sẻ nỗi niềm tâm tư của mình với chàng cá sấu tốt bụng. Đột nhiên có con cá sấu khác lao tới đòi ăn thịt cô gái. Để bảo toàn tính mạng cho cô, chàng cá sấu đành phải nuốt cô gái vào bụng rồi đánh nhau với con cá sấu kia. Sau trận chiến đẫm máu, cuối cùng chàng cá sấu tốt bụng đã cắn chết con cá sấu độc ác, nhưng bản thân cũng bị kiệt sức vì trọng thương. Chàng cá sấu cố lê lên bờ kêu to, dân làng đến mổ bụng mình ra để cứu cô gái. Nhưng khi mổ bụng ra thì cô gái đã tắt thở, còn chàng cá sấu chỉ kịp trăn trối: “Nếu cô gái đã chết thì xin mọi người hãy may lá cờ tang theo hình hài của tôi để tôi được đưa cô ấy đến nơi an nghỉ cuối cùng”. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của chàng cá sấu, dân làng làm đúng theo ý nguyện của chàng. Kể từ đó lá cờ tang bao giờ cũng mang hình con cá sấu, đám tang phụ nữ - một lá cờ, còn đám tang nam giới - hai lá cờ (do có hai chàng cá sấu đánh nhau vì người đẹp và cả hai đều chết). Nghe xong câu chuyện, tôi rất ngạc nhiên. Hồi còn nhỏ, tôi đã từng đọc truyện cổ tích người đội lốt con ếch, con cóc, nhưng theo trí nhớ của tôi, hình như trong kho tàng truyện cổ tích không có truyện nào người tốt lại đội lốt cá sấu. Tại sao người Khmer lại có thể nghĩ ra một cốt truyện vừa kỳ lạ, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến thế?

 

Thủ đô Phnom Penh, còn gọi là Nam Vang hay Nam Vinh. Theo lời Dinh, “Phnom” có nghĩa là “đồi, núi”, còn Penh là tên một góa phụ giàu có đã bỏ ra nhiều công sức để gây dựng nên thành phố. Tương truyền, khi đắp đê chống lũ, mọi người vớt được cây gỗ to, có bốn hình tượng đức phật. Thấy vậy, bà Penh liền cho xây rất nhiều đền chùa thờ phật. Khi bà Penh qua đời, người dân lập đền thờ bà dưới chân núi. Đến khi vua Khmer quyết định dời đô từ Angkor về đã lấy tên bà đặt cho thủ đô, vậy nên mới có tên Phnom Penh. Hiện nay ở Phnom Penh có khoảng 2,6 triệu dân, tuy nhiên toàn bộ hoạt động kinh doanh và mạng lưới siêu thị ở đây đều do người Hoa nắm giữ.

 

Đến Phnom Penh, có một điểm tham quan mà du khách Việt không thể bỏ qua, đó là Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, thường gọi là Tượng đài các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Trên cả nước Campuchia có tất cả 24 tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nằm rải rác ở các tỉnh thành, nhưng tượng đài ở Phnom Penh là đẹp nhất nên được nhiều du khách viếng thăm, chụp hình kỷ niệm. Trên tượng đài có bốn nhân vật: người chiến sĩ Camphuchia (đội mũ lưỡi trai), người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam (đội mũ cối), phía trước là người phụ nữ bế đứa bé - tượng trưng cho đất nước Camphuchia hồi sinh. Khi đưa chúng tôi đến tham quan tượng đài, Dinh nói: “Trong ba năm, tám tháng, hai mươi ngày cầm quyền, chế độ diệt chủng Polpot đã giết hơn một phần hai dân số của cả đất nước Campuchia. Chỉ nhờ quân tình nguyện Việt Nam, đất nước Campuchia mới có thể hồi sinh”. Nghe và cảm thấy tự hào, xin được ngả mũ nghiêng mình trước người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Thấy Dinh nói tiếng Việt rất lưu loát, lại am hiểu không chỉ lịch sử đất nước mình mà cả Việt Nam nữa, hỏi ra mới biết, cha mẹ và các anh chị em của Dinh đều bị giết trong thời kỳ Khmer Đỏ. Dinh được cứu thoát, đưa sang Việt Nam học tập, tốt nghiệp đại học ngành văn hóa - du lịch. Dinh bảo: “Hiện nay nguồn thu chủ yếu của đất nước Campuchia là từ du lịch và điểm du lịch quan trọng nhất chính là Angkor. Vì vậy có thể nói, Campuchia tồn tại được là nhờ di sản của cha ông để lại”. Ngừng một lát, cậu tiếp: “Khách du lịch Việt Nam sang Campuchia thuộc loại đông nhất và thân thiện nhất”.

 

(Còn nữa)

-----------------

Bài 2: Huyền bí Angkor

 

Bút ký của ĐÀO MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ký ức Ngày chiến thắng
Thứ Hai, 12/05/2014 09:22 SA
Non xanh nước biếc Ninh Bình
Thứ Bảy, 10/05/2014 15:00 CH
Chói ngời ký ức Điện Biên Phủ
Thứ Bảy, 10/05/2014 09:09 SA
Đội quân vác đá xây Trường Sa (tiếp theo)
Thứ Bảy, 26/04/2014 14:00 CH
Đội quân vác đá xây Trường Sa (tiếp theo)
Thứ Sáu, 25/04/2014 14:00 CH
Đội quân vác đá xây Trường Sa
Thứ Năm, 24/04/2014 08:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek