Là đơn vị trực thuộc Lữ đoàn Công binh 83 Anh hùng, nhiệm vụ chính trị của Tiểu đoàn 887 là xây dựng những công trình quân sự, dân sự trên các đảo ở quần đảo Trường Sa và một số công trình phòng thủ ở những nơi khác.
Trung tá Hoàng Bá Định, gần cả cuộc đời làm quen với vôi vữa và nắng gió Trường Sa - Ảnh: X.HIẾU |
NGƯỜI CHỈ HUY TIỂU ĐOÀN 887
Đại úy Lê Xuân Hải, Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 887 cho biết: Toàn bộ 21 đảo với 33 điểm bộ đội ta đóng quân trên quần đảo Trường Sa, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 nói chung, Tiểu đoàn 887 nói riêng đều đặt chân đến và để lại những công trình vững chãi với thời gian. Những năm gần đây, Tiểu đoàn 887 tiếp tục xây dựng nhiều công trình kiên cố trên các đảo Đá Tây, Đá Đông (năm 2010), Núi Le, Len Đao (năm 2011)… “Đầu năm 2012, sau khi đơn vị hoàn thành, bàn giao công trình trên đảo Len Đao, đang làm nhà tạm trên đảo Đá Lớn thì bị một cơn lốc cực mạnh cuốn phăng toàn bộ xuống biển. Chờ cho cơn lốc đi qua, công binh phải vất vả lặn xuống biển vớt lên dựng lại. Mặc dù vậy công trình vẫn kịp tiến độ, nhờ đơn vị tranh thủ làm ngày, làm đêm”, đại úy Lê Xuân Hải nhớ lại.
Năm 2012, Tiểu đoàn 887 được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn tại Quân cảng Cam Ranh, phục vụ việc xây dựng cảng mới. Từ tháng 7/2012 đến nay, tiểu đoàn nhận thi công công trình “P” trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2015. Người chỉ huy công trình đặc biệt này là trung tá Hoàng Bá Định, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 887. Tốt nghiệp sĩ quan Công binh, anh trưởng thành dần trong quá trình vác đá xây đảo, được đề bạt trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng, tiểu đoàn phó, rồi tiểu đoàn trưởng vào năm 2009. Sau nhiều năm công tác ở Trường Sa, nay anh lại có mặt ở đảo Phú Quý để chỉ huy việc phá núi mở hầm thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân và Lữ đoàn Công binh 83 giao. Dù tổ ấm ở quê nhà đang rất cần bàn tay anh chăm nom, nhưng vì nhiệm vụ đặc biệt, anh đã gác lại tình riêng, tập trung chỉ huy công trình luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tấm gương điển hình làm theo lời Bác Hồ dạy mà lữ đoàn và tiểu đoàn tôn vinh gần đây đã tiếp thêm động lực để anh cùng đồng đội vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Đưa tôi đi tham quan doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội; sau lưng, trước mặt có rất nhiều cây cảnh và có cả vườn rau, chuồng nuôi bồ câu…, trung tá Hoàng Bá Định cho biết: Đặc thù của lính công binh là làm việc theo ca, kíp. Mỗi ngày làm việc 3 ca, mỗi ca làm việc 4 tiếng và có lúc phải làm ca đêm. Bộ phận làm ca sáng, 6 giờ 15 đã có mặt tại công trường, làm việc đến 10 giờ. Ca thứ hai làm việc từ 10 đến 14 giờ và ca thứ ba làm việc từ 14 đến 17 giờ 30. Bộ phận anh nuôi theo đó mà phục vụ, đảm bảo cơm ngon canh ngọt cho bộ đội theo từng ca. Riêng thi công công trình trên các đảo chìm thì tùy thuộc vào con nước thủy triều. “Với 30 năm làm lính Công binh 83, gắn bó với hàng chục công trình trên hơn 20 đảo lớn nhỏ, là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời tôi. Mai này về với gia đình, tôi sẽ nhớ mãi những ngày cùng đồng đội “vượt nắng thắng mưa”, lăn lộn với sóng gió, bão giông, thiếu nước, thiếu rau, thiếu thông tin từ quê nhà; nhịn đói, nhịn khát chạy đua với thời gian ngắn ngủi của những ngày biển lặng để công trình đảm bảo tiến độ. Làm sao tôi kể tên cho hết những người lính công binh cả cuộc đời quen với vôi vữa và nắng gió Trường Sa; lặng thầm cống hiến, hy sinh để có thêm những công trình làm phên dậu cho Tổ quốc ở nơi đầu sóng”, người chỉ huy tiểu đoàn trải lòng.
HÀNH KHÚC CÔNG BINH 83
Trực tiếp thi công công trình “P” trên đảo Phú Quý là Đại đội 9. Mặc dù thi công công trình ở đảo xa, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng việc thực hiện chính quy, các chế độ trong ngày, trong tuần, đơn vị đều duy trì rất nghiêm, giờ nào việc ấy. Nơi nào để nước ngọt, nơi nào phơi quần áo… đều đâu ra đó. 5 giờ sáng, nghe kẻng báo thức là bộ đội dậy tập thể dục, luyện võ. Đến 6 giờ là ăn sáng xong, bắt đầu hành quân ra công trường. Bộ phận nào không làm ca sáng thì tăng gia sản xuất xung quanh doanh trại hoặc làm nhiệm vụ khác theo sự phân công của chỉ huy. “Vì lao động của công binh là lao động nặng nhọc, nếu không duy trì kỷ luật nghiêm thì không quản lý được bộ đội, công trình không đảm bảo tiến độ, đơn vị khó hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Chính trị viên Lê Xuân Hải cho biết.
Công binh 83 giao lưu văn nghệ với đơn vị bạn - Ảnh: X.HIẾU
Nhân dịp đoàn công tác của Trung đoàn Ra đa 451 Hải quân đến thăm Trạm Ra đa 575, trạm này tổ chức đêm giao lưu văn hóa văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa và đoàn công tác. Tiểu đoàn 887 cũng cử lực lượng cùng tham gia rất đông. Thật bất ngờ, mặc dù phải thường xuyên thay đổi địa điểm đóng quân, thi công hết công trình này đến công trình khác, khi ở đảo chìm, lúc ở đảo nổi, trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhưng trong đêm giao lưu ấy, những người lính của Tiểu đoàn 887 Công binh là nổi bật nhất. Không chỉ tham gia đông, có nhiều giọng ca hay, mà những tiết mục dân vũ, nhảy hiện đại của các chiến sĩ trẻ đã làm cho đêm giao lưu thêm sôi động, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Tiểu đội trưởng Tăng Văn Vũ, người được cho là nhảy đẹp nhất trong đêm giao lưu, tâm sự: “Xây dựng các công trình ở ngoài đảo xa, đảo gần bờ hay trên đất liền đơn vị đều dành thời gian cho hoạt động văn hóa - văn nghệ. Ngày văn hóa chính trị mỗi tháng tổ chức 1 lần; văn hóa - văn nghệ mỗi tuần tổ chức 2 lần. Vì vậy, 3 bài dân vũ, 10 bài hát truyền thống theo quy định và 1 bài hát truyền thống của lữ đoàn anh em chiến sĩ chúng tôi đều thuộc làu làu”. Để minh chứng cho lời nói của mình, Vũ gọi thêm một số chiến sĩ và cùng nhau hát bài “Hành khúc Lữ đoàn 83” (của nhạc sĩ Tố Hải):
Đoàn Công binh 83/ mang tên Sông Mã anh hùng/ Từ làng quê ta thân yêu/kẻ thù gieo bao đau thương/ lửa máu giục ta lên đường chiến đấu/ Lời ca vang khắp chiến trường/ Vượt trên núi cao/băng qua sông dài/ Từ Lạng Sơn nối tình biên giới/ về Trung Châu mở hướng Điện Biên/ Trường Sơn xẻ núi bắc cầu/ Trường Sa vượt qua sóng xô/ Những ngôi sao Bác Hồ trao/ luôn sáng soi khắp trời quê/ Đoàn Công binh mở đường đi tới/ Dựng xây tổ ấm Trường Sa/ Ngàn năm sóng gió tình ta/ Đoàn 83 phất cờ truyền thống/ Vạn ngôi sao sáng ngời/ biển lớn Việt Nam ta/ lời Tổ quốc đang hành quân/ Vượt qua khó nguy/ gian lao đâu ngại đường dài/ theo tay Người chỉ hướng/ đường luôn mang tên Bác còn đây/ Ngàn hoa thơm ngát núi rừng/ Hải đăng đẹp trong nắng mưa/ Hãy giữ lấy biển trời ta/ Từ non xanh đến làng xa/ Đoàn Công binh đáp lời sông núi/ Ngày đêm đi trước về sau/ Bài ca xin hát tặng nhau/ Lòng sắt son nhớ từng dòng suối/ Đường ta đi chưa về/ đoạn cuối ngàn mai sau/ còn tiếp bước đường mùa xuân.
Bài hát với giai điệu trầm hùng này đã theo chân những người lính Công binh 83 qua nhiều công trình nơi hải đảo xa trong nhiều năm qua. Và nó sẽ còn vang xa, vang mãi…
XUÂN HIẾU