Thứ Bảy, 23/11/2024 12:28 CH
Campuchia - lạ mà quen
Bài 3: Biển Hồ buồn
Thứ Hai, 19/05/2014 14:00 CH

Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo người Việt trên bè nổi ở Biển Hồ Campuchia

Tonle Sap hay Biển Hồ ở tỉnh Siem Reap là điểm tham quan không nằm trong tour du lịch, nhưng khi nghe cậu hướng dẫn viên tên Dinh nói: “Đây là nơi Việt kiều có 3 cái nhất: định cư lâu đời nhất ở Campuchia, có tỉ lệ sinh đẻ cao nhất và nghèo nhất thế giới”, tôi cảm thấy cay cay nơi sống mũi, và chẳng cần suy nghĩ liền đăng ký tham quan mặc dù giá tour đến Biển Hồ khá đắt: 20 đô.

 

Biển Hồ là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, rất có ý nghĩa đối với đời sống kinh tế Campuchia. Hiện ở Biển Hồ có 500 gia đình Việt kiều với khoảng 3.000 nhân khẩu sinh sống trên làng nổi, mà giấy tờ tùy thân duy nhất chỉ là tờ giấy xác nhận của Chi hội Việt kiều tỉnh Siem Reap. Theo lời Dinh, nhiều gia đình Việt kiều đến lập nghiệp ở đây từ ba đời trước, mỗi gia đình thường có 5-6 con, và tất cả đều nghèo đến mức chết không có chỗ chôn, nhất là mùa nước nổi phải treo trên bè, chờ nước rút mới mang vào bờ hỏa táng. Người Việt ở Biển Hồ sống trên các bè nổi, mái tôn, vách ván. Mùa nước cạn thì đưa bè ra xa bờ, còn mùa nước lớn phải gồng mình chằng néo, chống chọi với gió bão để bè không chìm và trôi đi mất. Trên làng nổi không có điện, nước sạch và đài báo, 80% dân số không biết chữ, nên người dân hầu như bị tách khỏi thế giới đương đại. Hiện ở Biển Hồ, tôm cá rất ít do bị chặn dòng ở thượng nguồn với những mục đích khác nhau, một phần do ngư dân ở đây khai thác cạn kiệt. Những năm gần đây, chính quyền Campuchia đã cấm đánh bắt cá ở Biển Hồ. Người Campuchia tuân thủ pháp luật khá nghiêm nên hầu hết đã lên bờ tái định cư, chỉ còn người Việt sống trôi nổi, dập dềnh trên những chiếc bè tạm bợ, thiếu thốn các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu.

 

Hoạt động kinh tế sầm uất nhất hiện nay ở Biển Hồ là dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, chủ yếu là của người Hoa, một số ít của người Campuchia, còn người Việt thì hoàn toàn không có chút cơ may nào trong lĩnh vực này. Một số gia đình Việt kiều cũng đã lên bờ theo chủ trương tái định cư của chính phủ Campuchia, nhưng không biết làm gì để sinh sống nên lại xuống bè. Còn hồi hương về Việt Nam thì con đường xa ngái, mà tương lai thì không thể đoán định. Do không được đánh bắt cá trong hồ nữa, nên nhiều gia đình chuyển sang nuôi cá bè, chủ yếu là cá da trơn như cá tra, cá trê, một số gia đình còn nuôi cả heo, gà đẻ trứng, nhưng quy mô thì rất manh mún, nhỏ lẻ vì thiếu vốn và kiến thức nuôi trồng. Làm được thứ gì mang lên chợ trên bờ bán lấy tiền mua gạo, mắm muối, rau quả, dầu đèn và các nhu yếu phẩm khác. Không nhiều nhà có ti vi chạy bình vì đó là món đồ dùng thuộc loại xa xỉ. Công việc trên bè rất ít, không đủ cho chi tiêu hàng ngày, nên thanh niên trai tráng phải lên bờ làm thuê, bốc vác, thợ hồ, xe ôm, trồng cao su. Một số gia đình khấm khá hơn chuyển sang làm dịch vụ như mở cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, tạp phẩm nhưng với quy mô nhỏ lẻ, còn những dịch vụ có quy mô lớn hơn như nhà hàng, bán xăng dầu, sửa chữa máy móc, lọc nước sinh hoạt… đều do người Hoa và một số ít người Campuchia nắm giữ. Điều khó khăn nhất ở các khu làng nổi là không có cơ sở y tế, những khi ốm đau phải cấp tốc dùng thuyền đưa lên bờ, đến các cơ sở điều trị. Có khi vì đường xa cách trở mà tính mạng của người dân như trứng treo đầu đẳng.

 

Thầy giáo Thái Hồng Sơn và học sinh chào đón du khách (ảnh nhỏ) - Ảnh: M.HIỆP

Chúng tôi được đưa đến tham quan Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo người Việt. Đây là một điểm trường trên làng nổi do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Siem Reap và Quân khu 7, cùng nhiều tổ chức cá nhân khác tài trợ xây dựng từ năm 1994. Trường gồm nhiều bè, vách ván, lợp tôn, kết nối lại với nhau và ngăn chia thành các phòng học và sinh hoạt. Đoàn tham quan được đón tiếp bằng một màn biểu diễn trống do các các em học sinh mặc đồng phục màu xanh trình diễn. Nhưng nhìn xuống cuối lớp, bộ đồng phục ấy chỉ dành cho các em đánh trống, còn các em khác, có gì mặc nấy, cái sự nghèo khổ hiện ra lồ lộ, không giấu đi đâu được. Nói chuyện với thầy giáo Thái Hồng Sơn, chúng tôi được biết, trường có 5 giáo viên, 3 nam 2 nữ, vừa dạy học vừa đảm nhiệm tất cả mọi công việc chăm sóc 314 học sinh đều là con em của Việt kiều sống trên làng nổi. Trường có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, muốn học thêm nữa cũng không có lớp, và nguy cơ tái mù là rất lớn. Các em được ăn 3 bữa, sáng chủ yếu là mì sợi. Hiện nay ở Biển Hồ có 3 điểm trường do người Việt trong nước và các tổ chức từ thiện hỗ trợ đầu tư xây dựng và tổ chức giảng dạy.

 

Nhìn những khuôn mặt chân chất và hiền lành của các thầy cô giáo trên bè, tôi không nén nổi cảm giác kính phục. Tất cả đều từ Việt Nam tự nguyện sang đây dạy học, không có bất cứ một đồng lương hay các chế độ chính sách gì, ngoài những đồng tiền ủng hộ của du khách và các tổ chức từ thiện. Nhưng nguồn thu này không ổn định và chủ yếu được dùng để nuôi dạy các em học sinh.

 

Tranh thủ đi xem cái gọi là “cơ sở vật chất” của trường, tôi chỉ thấy một mớ củi xếp bên thành bè cùng với mấy thùng mì tôm, gạo, vài chai lọ mắm muối, bột ngọt, dầu ăn, chục quả trứng gà, vài thùng nước lọc… Bước vào một lớp học thấy dăm đứa trẻ đang ngồi bệt trên sàn, không biết làm gì và cũng chẳng có đồ chơi gì để chơi. Theo lời Dinh, tour du lịch đến Biển Hồ là do người Hàn Quốc tài trợ tổ chức thực hiện. Họ hỗ trợ kinh phí làm đường ra bến neo thuyền, đóng tàu thuyền chở khách, còn tiền tour thu được, sau khi trừ chi phí dùng để hỗ trợ cho các trẻ em nghèo ở khu làng nổi Việt kiều. Tôi không biết thông tin ấy có chính xác hay không, nhưng sau màn ra mắt của đội trống, tất cả các du khách Việt đều bước tới đặt vào tay các thầy cô giáo những đồng tiền ít ỏi nhưng sạch sẽ của mình. Nhiều người không cầm nổi nước mắt.

 

Sau khi tham quan điểm trường, chúng tôi được đưa đến một nhà hàng để nghỉ ngơi, giải khát và ngắm cảnh. Công bằng mà nói, xét về mặt cảnh quan thì Biển Hồ Campuchia không thể so sánh nổi với Vịnh Hạ Long hay Hà Tiên, thậm chí với Biển Hồ Pleiku, đầm Ô Loan của Phú Yên. Hai bên bờ, những cánh rừng già đã bị đốn sạch, giờ chỉ còn lác đác những thân cây tái sinh èo uột. Nước trong hồ thì đục ngầu màu phù sa, có thể tốt cho cây trồng nhưng tôm cá thì khó mà sống nổi. Biển Hồ rộng mênh mông, nhìn ngút tầm mắt, nhưng ngoài khu làng nổi của Việt kiều và vài nhà hàng trên bè nổi, chẳng thấy có điểm dịch vụ, vui chơi, giải trí, tham quan nào đáng kể nữa. Tại nhà hàng, chúng tôi được mời mỗi người một lon nước ngọt hay bia và mỗi bàn có một dĩa tép làm mồi nhậu. Nhấm nháp mấy con tép nhỏ bằng đầu đũa cũng cảm nhận được mùi vị mặn mòi quen thuộc của phù sa Mekong, còn bia Campuchia có nhãn hiệu Angkor, sản xuất tại thành phố cảng Shihanuk Vile, theo khẩu vị của tôi thì cũng tương đương với bia Sài Gòn của Việt Nam.

 

Ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng tôi khi chia tay với Biển Hồ là một nỗi buồn man mác cứ đeo đẳng mãi trong suốt chuyến đi với những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác, u hoài. Tôi từng bắt gặp nhiều cảnh đời tha hương ở Nga, Ukraina, Uzbekistan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Israel. Đã tha hương thì chẳng có mấy niềm vui, nhưng chẳng chốn nào buồn như chốn này. Du khách đến tham quan Biển Hồ khá nhiều và không chỉ có khách Việt. Nhìn họ giơ máy ảnh lên bấm tanh tách những khu nhà nổi như nhà ổ chuột của Việt kiều, những chiếc thuyền ăn xin với những cánh tay đen nhẻm chìa ra, một cảm giác đau xót choáng ngợp tâm trí. Dẫu có đúng như lời cậu hướng dẫn viên là các tour du lịch đến đây là để làm từ thiện, thì cái giá về tinh thần phải trả cho nó cũng quá đắt.

 

Bài cuối: Hoàng cung và những chuyện ngoài hoàng cung

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Huyền bí Angkor
Chủ Nhật, 18/05/2014 13:00 CH
Bài 1: Những ấn tượng đầu tiên
Thứ Bảy, 17/05/2014 14:00 CH
Ký ức Ngày chiến thắng
Thứ Hai, 12/05/2014 09:22 SA
Non xanh nước biếc Ninh Bình
Thứ Bảy, 10/05/2014 15:00 CH
Chói ngời ký ức Điện Biên Phủ
Thứ Bảy, 10/05/2014 09:09 SA
Đội quân vác đá xây Trường Sa (tiếp theo)
Thứ Bảy, 26/04/2014 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek