Trong số 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong sự kiện 14/3, riêng Trung đoàn Công binh 83 đã đóng góp 32 người với tinh thần “tất cả vì Trường Sa”. Máu xương của các anh đã hòa vào biển mặn. Những cành san hô đã hóa thành màu đỏ - màu cờ của Tổ quốc.
Chuẩn bị đổ bê tông xây công trình chống tàu địch xâm nhập - Ảnh: X.HẢI
ĐI TRƯỚC VỀ SAU
Truyền thống của Trung đoàn Công binh 83 là một cuộc trường chinh không một phút nghỉ ngơi. Vừa kết thúc giai đoạn đầu xây dựng Trường Sa, màu da của người lính công binh còn đậm màu nâu sậm, những vết trầy, xước trong quá trình khuân vác sắt thép, đá chẻ… chưa kịp liền da thì đến cuối năm 1984, trung đoàn được lệnh hành quân ra Bắc xây dựng các công trình ở Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh).
Đến với những công trường mới, mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu. Đó là phải dựng lại doanh trại, bảo đảm xanh - sạch - đẹp; ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt cho bộ đội theo nề nếp chính quy; tổ chức tăng gia sản xuất… Và khi những vùng hoang sơ bùn lầy biến thành những căn cứ bề thế, những quân cảng tấp nập tàu thuyền thì cán bộ chiến sĩ của trung đoàn lại được lệnh lên đường trở lại Trường Sa. “Không ít cán bộ chiến sĩ đã nhiều năm chưa một lần về phép. Nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng tình hình trên biển lúc này không cho phép những người lính công binh chúng tôi suy nghĩ thiệt hơn. Và chúng tôi tự hào là những người đặt những viên gạch đầu tiên để có được những tấm bia chủ quyền, những công sự trận địa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở nơi đầu sóng”, trung tá Hoàng Bá Định thổ lộ.
Còn đại úy Lê Xuân Hải chia sẻ: “Lính Công binh mà, luôn đi trước về sau. Trong chiến đấu, đơn vị đi trước ra phá bom mìn, mở đường, mở trận địa để bộ binh tiến vào. Kết thúc trận đánh, công binh phải ở lại dọn dẹp trận địa, xóa sạch dấu vết. Mỗi một công trình xây dựng dù trên đất liền hay giữa biển khơi đều thấm đẫm mồ hôi và cả máu của công binh nhưng khi công trình hoàn thành là bàn giao ngay, chuyển quân đi xây công trình mới. Công binh lại ở nhà tạm”.
SỰ KIỆN 14/3
“Cuối năm 1987, tình hình trên biển diễn biến phức tạp, khó lường. Tư lệnh Quân chủng đã lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho các đơn vị, tất cả sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, trung tá Hoàng Bá Định bồi hồi nhớ lại, trong đôi mắt của người lính công binh dày dạn kinh nghiệm này như có từng con sóng biển đang vỗ về. Giọng ông trầm đặc: Ngày 4/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp xem xét tình hình và xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc một số đảo mà nước ngoài có ý định xâm chiếm. Trung đoàn Công binh 83 là một trong những lực lượng chủ yếu được Bộ Quốc phòng và Quân chủng giao thực hiện nhiệm vụ này. Thực hiện quyết tâm của Quân chủng, ngày 7/3, hai khung, gồm 70 cán bộ chiến sĩ của trung đoàn có lệnh rời quân cảng Cam Ranh đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Lúc này, nước ngoài bố trí lực lượng rất mạnh uy hiếp lực lượng của ta. Vào lúc 21 giờ ngày 13/3, Sở Chỉ huy chỉ thị cho bộ phận đi giữ đảo quyết tâm giữ vững mục tiêu, khẩn trương thả xuồng, chuyển vật liệu lên xây nhà trên đảo. Và đến 6 giờ sáng hôm sau (14/3) thì chiến sự đã nổ ra… Mặc dù tàu của địch cố tình nổ súng với dã tâm chiếm đảo, nhưng với quyết tâm “thà hy sinh chứ không để mất đảo”, cán bộ chiến sĩ trung đoàn cùng với các đơn vị phối thuộc đã chiến đấu hết sức kiên cường và quả cảm. Khi thiếu úy Trần Văn Phương ngã xuống, binh nhất Nguyễn Văn Lanh, một chiến sĩ còn rất trẻ của trung đoàn đã xông tới lấy lá cờ Tổ quốc từ tay anh cắm lên đảo để khẳng định chủ quyền. Mặc dù bị thương nặng, máu nhuộm đỏ bàn chân, nhưng tay anh vẫn giữ chắc lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh “thà hy sinh chứ không để mất đảo” của chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh đã tiếp thêm ý chí cho bộ đội ta tiếp tục chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Địch kinh hoàng trước ý chí quật cường của Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng đành phải cuốn gói rút khỏi hòn đảo thiêng liêng này. Trong số 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong sự kiện 14/3, riêng Trung đoàn Công binh 83 đã đóng góp 32 người. Máu xương của các anh đã hòa vào biển mặn. Những cành san hô đã hóa thành màu đỏ - màu cờ của Tổ quốc. Với tinh thần “tất cả vì Trường Sa”, một lần nữa, ý chí quyết tâm và sự quả cảm của người lính công binh đã được thể hiện.
Công binh 83 đánh mìn phá đá xây dựng công trình - Ảnh: X.HẢI
ANH HÙNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Từ sau sự kiện 14/3 đến năm 1994, Trung đoàn Công binh 83 đã hoàn thành một khối lượng xây dựng đảo bằng nhiều năm trước cộng lại. Riêng năm 1993, số vật liệu chuyển ra các đảo xấp xỉ 30.000 tấn, gấp 1,5 lần so với 9 năm thời kỳ đầu. Những ngôi nhà tạm bợ, chênh vênh giữa biển cả đã được thay bằng những ngôi nhà lâu bền, đẹp đẽ, vững chãi, có thể chịu đựng được bão cấp 12, cấp 13. Hệ thống công sự trận địa được củng cố, xây mới rất cơ bản, tạo thế đứng hiên ngang và dáng vóc mới cho Trường Sa, nâng cao cơ bản khả năng phòng thủ và đời sống sinh hoạt cho quân dân trên đảo. Với những thành tích xuất sắc về xây dựng Trường Sa trong giai đoạn này, cuối năm 1994, lần thứ 2 Trung đoàn Công binh 83 Hải quân được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới.
Trong những năm gần đây, ngoài nhiệm vụ đảm nhiệm xây dựng các công trình phòng thủ ở Trường Sa và các đảo xa bờ, Trung đoàn Công binh 83 còn đảm nhận xây dựng các công trình lớn, thực hiện các dự án về dân sự hóa, tạo thế đứng vững chắc cho Trường Sa thân yêu. Các công trình lớn ở các đảo chìm, đảo nổi rạng ngời trên biển đảo Trường Sa của Tổ quốc như: Âu tàu Song Tử Tây, chùa Song Tử Tây… đều ghi dấu ấn về chất lượng và mỹ quan của những người lính Công binh 83 anh hùng. Để có những công trình vừa bề thế, vừa có tính thẩm mỹ cao, những người lính công binh phải đêm ngày vật lộn với sóng cả, rồi trăn trở nghĩ suy làm sao vừa đảm bảo tiến độ trong điều kiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu rất khẩn trương vừa phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Trong tổ chức thực hiện, đơn vị chú trọng xây dựng kế hoạch, thực hiện đúng quy trình quy phạm. Trong quản lý bộ đội, đơn vị quan tâm xây dựng nề nếp chính quy, ý thức kỷ luật... Sự quyết tâm, trách nhiệm, miệt mài không quản ngại bão tố phong ba; sự đồng lòng đồng sức đã giúp trung đoàn tiếp tục
khẳng định được thương hiệu và dấu ấn về một đơn vị công binh có bề dày truyền thống, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Theo trung tá Hoàng Bá Định, hơn 30 năm gắn bó với Trường Sa là chặng đường lịch sử khó phai mờ đối với Trung đoàn Công binh 83. Một dấu mốc quan trọng đánh dấu về tổ chức, biên chế và nhiệm vụ của đơn vị trong thời kỳ mới, đó là ngày 22/5/2013, Bộ Quốc phòng đã có quyết định nâng cấp Trung đoàn 83 Công binh thành Lữ đoàn Công binh 83. Từ đây, với quy mô một lữ đoàn đầy đủ biên chế, trang bị, tầm vóc và nhiệm vụ, Công binh 83 sẽ có bước phát triển mới, góp phần xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
(Còn nữa)
Ngày 7/5/1988, tại quần đảo Trường Sa, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã khẳng định: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; xin hứa với đồng bào cả nước; xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của chúng ta”.
XUÂN HIẾU