Vẫn biết là thử nghiệm, nhưng nhiều người muốn thấy bộ mặt của đội tuyển Việt Nam phải thật sự khởi sắc tại vòng loại Asian Cup 2015, ít nhất là về mặt tinh thần.
Tinh thần thi đấu có thể bù đắp sự thiếu kinh nghiệm của các cầu thủ trẻ.
LÂU RỒI KHÔNG CÒN “LỬA”
Có một dạo, báo chí khu vực thường xuyên dùng từ “lửa” để nói về bóng đá Việt Nam. Đầu tiên là việc nhiều đội bóng e ngại khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam trên sân Hàng Đẫy (sau này là sân Mỹ Đình). Chẳng phải Thái Lan và Indonesia đã tạo một tiền lệ vô tiền khoáng hậu tại Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) khi đều muốn xếp ở vị trí thứ 2 tại bảng B và tránh phải đến Hà Nội gặp chủ nhà Việt Nam (đang xếp vị trí thứ 2 bảng A) hừng hực khí thế. Không biết giải quyết bằng cách nào nên trung vệ Effendi của Indonesia đến phút cuối của trận đấu đã nảy ra sáng kiến quay lưng sút thẳng vào lưới nhà rồi thản nhiên đứng vỗ tay vì ý đồ nhì bảng đã thành công.
Trong cuộc họp báo sau đó, cả hai trưởng đoàn của bóng đá Thái Lan và Indonesia đã chua chát thừa nhận rằng nỗi sợ khi phải bay đến Hà Nội để đá với đội tuyển Việt Nam là rất lớn. Thực tế thì Thái Lan là người hiểu rõ nhất khi đội bóng xứ chùa vàng đã thua tan tác 0-3 khi giáp mặt với các học trò của HLV Riedl trong trận bán kết.
Tại Mỹ Đình, bóng đá Việt Nam cũng có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Nhiều người có thể nhớ ngay đến cú lắc đầu hoàn hảo của Công Vinh trong trận chung kết lượt về gặp Thái Lan tại AFF Cup 2008 mang về chức vô địch sân chơi khu vực của bóng đá Việt Nam. Nhưng trước đó, chính các cầu thủ U23 Malaysia mới là những người viết nỗi sợ trên sân Mỹ Đình trong trận đấu “điên rồ” với Văn Quyến và các đồng đội tại bán kết SEA Games 22 (U23 Việt Nam thắng 4-3). Một cầu thủ trẻ của Malaysia đã thừa nhận hài hướt rằng anh gần như không thể đứng vững khi nhìn lên khán đài của sân Mỹ Đình - nơi có sức chứa chỉ hơn 40.000 chỗ ngồi, nhưng lại hừng hực khí thế và đủ sức bóp chết những người yếu bóng vía.
Cái “lửa” thứ hai mà báo chí khu vực nói đến là tinh thần thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Từ khi trở lại sân chơi khu vực với chiếc HCB tại SEA Game 18 (1995) tại Chiang Mai - Thái Lan, tinh thần thi đấu là vũ khí tối thượng của đội tuyển Việt Nam. “Họ có thể thua - thắng, nhưng đã vào sân là thi đấu hết mình và rất nhiều đội bóng trong khu vực rất e ngại khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là khi họ thi đấu trên sân nhà” - một tờ báo thể thao hàng đầu Singapore đã từng khẳng định như vậy.
Đó là những câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại “lửa” của đội tuyển Việt Nam cũng như của sân Mỹ Đình đã xuống thấp đến mức báo động. Và trách nhiệm của HLV Hoàng Văn Phúc trong hai trận tạm quyền của mình là khơi dậy tinh thần thi đấu cho các học trò và bóng đá Việt Nam.
ĐÃ CÓ ĐIỀU KIỆN CẦN
Với việc trao quyền cho HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tức là VFF đã có dụng ý. Thứ nhất, thành tích đã trở thành thứ yếu, bởi ai cũng biết đội tuyển Việt Nam sẽ chẳng thể nào với tới tấm vé có mặt ở vòng chung kết Asian Cup 2015. Thứ hai, việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có điều kiện thi đấu cọ xát và hơn ai hết chính họ chứ không phải Công Vinh, Quang Hải, Trọng Hoàng… mới là những người khát khao thể hiện mình khi được trao cơ hội.
Bảo đảm rằng, những cái tên như Huỳnh Tuấn Linh, Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Huy Hùng, Xuân Hùng, thậm chí là những người kinh nghiệm hơn như Hoàng Thịnh, Bửu Ngọc, Mạnh Dũng, Danh Ngọc, Hải Anh… đang vui sướng khi thấy tên mình trong danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia. Với họ, lên tuyển không phải làm đẹp bản lý lịch bản thân, mà là để khẳng định sức trẻ và đó là tiền đề để ông Phúc khơi dậy chất “lửa” trong những con người đang độ tuổi Olympic.
Tất nhiên, mọi thứ vẫn phải đi theo lộ trình đó là lý do của những người như Tấn Tài, Văn Quyết, Quốc Anh, Thành Lương có mặt trong đội hình trẻ của HLV Hoàng Văn Phúc.
Vẫn biết khả năng và kinh nghiệm của một tuyển thủ U22 và tuyển thủ quốc gia là một khoảng cách lớn. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể khắc phục bằng nhiệt huyết và tinh thần. Và đó cũng là niềm tin của HLV Hoàng Văn Phúc, bởi xét hoàn cảnh hiện tại ông Phúc cũng rất cần “lửa” trong công việc của chính mình.
TRẦN NGÔ