Những đội triệt để tuân thủ sơ đồ 4-2-3-1 với 5 tiền vệ đã gặt hái được thành công rực rỡ.
Tây Ban Nha chơi thành công tại World Cup 2010 nhờ sơ đồ 4-2-3-1
Ở World Cup 2010, sơ đồ thi đấu 4-3-3 rất ít được áp dụng, đa số chơi theo sơ đồ 4-2-3-1 hoặc 4-4-2. 3/4 đội lọt vào bán kết gồm Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức triệt để tuân thủ sơ đồ 4-2-3-1 trong hầu hết các trận đấu và đã gặt hái được những thành công như đã thấy. Hà Lan và Tây Ban Nha là đại diện mẫu mực nhất cho sơ đồ 4-2-3-1. Vì sao đấu pháp này được chuộng và phát huy hiệu quả?
Điểm lại những giải đấu lớn gần đây, từ Euro 2004 đến World Cup 2010, có rất ít pha đột phá cá nhân thành công. Màn trình diễn solo kiểu Diego Maradona trong trận
Để chiến thắng, phải kiểm soát được tuyến giữa. Để kiểm soát được, không chỉ cần những hảo thủ mà phải đông người. Thế nên, thay vì bố trí 3 tiền vệ (4-3-3) hoặc 4 tiền vệ (4-4-2), Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức đều bố trí đến 5 tiền vệ.
HLV Van Marwijk xếp 2 tiền vệ phòng ngự Van Bommel và Nigel De Jong chơi trước mặt hàng thủ, ngoài việc thu hồi bóng còn có nhiệm vụ đánh chặn từ xa các mũi tấn công của đối phương để đỡ áp lực cho hàng phòng ngự. Lối đá của 2 tiền vệ này rất phù hợp với vị trí đó, bởi ở CLB, Bommel (Bayern Munich) và De Jong (Man City) cũng chơi với vai trò tương tự. Van Bommel luôn tả xung hữu đột, thu hồi bóng là chính, chỉ tung ra một cú dứt điểm trong trận gặp Đan Mạch; còn De Jong thì miệt mài đánh chặn và không tung ra cú dứt điểm nào; nhờ đó mà hàng thủ vốn không thật chắc chắn của Hà Lan đỡ vất vả trước các đội mạnh, đồng thời 3 tiền vệ còn lại rảnh chân phát động tấn công hoặc băng lên dứt điểm. Kết quả, Dirk Kuyt, Arjen Robben và Wesley Sneijder đã ghi đến 10/12 bàn cho “Oranje” tính đến thời điểm này.
Cũng như vậy, ở tuyển Đức, Bastian Schweinsteiger và Sami Khedira đảm nhiệm vai trò càn quét để 3 tiền vệ còn lại là Thomas Mueller, Lucas Podolski và Mesut Ozil thay nhau khai hỏa như trong các trận thắng đậm Argentina, Anh và Úc.
Ở tuyển Tây Ban Nha, trong những trận có Fernando Torres ra sân, tiền đạo David Villa được kéo về đá lùi sau Torres như một tiền vệ hộ công, bảo đảm tuyến giữa của “La Roja” luôn có 5 người. Trong đó, như ở Real Madrid và Barcelona, Xabi Alonso và Sergio Busquets được xếp đá thủ, riêng Alonso có nhiệm vụ sút xa để uy hiếp đối phương. Ba nhân tố còn lại gồm Hernandez Xavi, Andres Iniesta và David Villa chơi tấn công. Đáng chú ý, David Villa chơi hiệu quả hơn mỗi khi được xếp đá ở vị trí tiền đạo lùi. Trong 5 bàn thắng của Villa, đa số được ghi khi anh đảm nhận vai trò hộ công. Còn lúc được xếp đá cao nhất như trong trận gặp Đức, Villa lại “tắt đài”, trong khi cầu thủ trẻ được bổ sung cho tuyến tiền vệ của Tây Ban Nha là Pedro Rodiguez đã chơi nổi bật.
Qua sự mờ nhạt của các tiền đạo cắm như Robin Van Persie hay Fernando Torres cũng như hiệu quả ghi bàn tuyệt vời của các tiền vệ công thấy rằng tuyến giữa là yết hầu của từng trận đấu; bên nào nắm được khu vực này, bên ấy dễ áp đặt lối chơi và chiến thắng. Khi có cùng quân số, chất lượng cầu thủ sẽ quyết định sự hơn - thua. Sự vượt trội của hàng tiền vệ 5 người của Tây Ban Nha so với hàng tiền vệ 5 người của Đức trong trận bán kết vừa qua đã chứng minh cho điều đó.
Theo NLĐ