Bá Thanh Đô - người con dân tộc Ba Na, không những chung tay phát triển phong trào võ cổ truyền tỉnh, mà còn đưa giá trị môn võ dân tộc đến với buôn làng ở huyện Sơn Hòa.
Đam mê
Từ nhỏ, Bá Thanh Đô đã thích thú những động tác và pha ra đòn ấn tượng của môn võ cổ truyền. Người đầu tiên giúp Đô làm quen với môn võ này là ông Bá Thanh Nam (cha của Đô).
“Cha tôi rất thích tập luyện võ cổ truyền và dành nhiều thời gian tìm các võ sư, võ đường trong và ngoài tỉnh để học. Khi về nhà, ông chỉ dẫn cho tôi những đòn thế và những giá trị nhân văn mà người học võ có được. Tôi thích thú tìm hiểu võ cổ truyền từ thời điểm đó”.
Năm 2012, Bá Thanh Đô trở thành sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất, Trường đại học Phú Yên. Thời điểm này, cơ duyên đã giúp Đô biết đến môn phái Kim Sang Quyền - Bắc phái Thiếu lâm. Được nghe võ sư cao cấp Kim Yên kể về những giá trị của võ học và tận mắt nhìn thấy những bài biểu diễn ấn tượng của võ sư Kim Hải - Chưởng môn đời thứ 2, môn phái Kim Sang Quyền - Bắc phái Thiếu lâm, Bá Thanh Đô quyết định trở thành đệ tử của môn phái này.
Các học trò của võ sư Bá Thanh Đô thi đấu đạt thành tích tại Giải Võ cổ truyền các lứa tuổi tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV |
Chặng đường của Bá Thanh Đô đến với võ cổ truyền có nhiều cung bậc cảm xúc. Anh từng là VĐV thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Quân khu 7 ở các giải quốc gia. Nhưng võ sư sinh năm 1992 này luôn mong muốn trở về quê hương đóng góp cho sự phát triển chung của võ cổ truyền Phú Yên.
Năm 2020, Bá Thanh Đô mở điểm tập võ cổ truyền tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Sự nhiệt huyết, tận tâm của người võ sư trẻ giúp các điểm tập ngày càng phát triển. Đến thời điểm này, Bá Thanh Đô đã mở 3 điểm tập: Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi huyện Sơn Hòa, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa và Trường tiểu học và THCS Sơn Phước, với hơn 100 võ sinh tập luyện ổn định.
Bá Thanh Đô hiện là giáo viên Giáo dục thể chất Trường tiểu học và THCS Cà Lúi. Hằng ngày, Đô phải di chuyển khoảng 100km, từ nhà (thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước) đến các điểm tập để quán xuyến việc tập luyện của võ sinh. Bá Thanh Đô cho rằng, mở một điểm tập đã khó, giữ được sự ổn định, thu hút võ sinh đến điểm tập còn khó hơn.
“Việc này đòi hỏi mình phải có trách nhiệm với môn phái và có niềm đam mê với môn võ mà mình theo đuổi. Khi đó, khó khăn không thể cản trở mục tiêu mà tôi đang theo đuổi”, Bá Thanh Đô tâm sự.
Cầu nối những giá trị
Làng võ cổ truyền Phú Yên hiện nay có nhiều võ sư tên tuổi được nhiều người biết tới. Với Bá Thanh Đô, có thể xem anh là cầu nối của những giá trị mà võ cổ truyền mang lại cho người tập. Là người con của núi rừng, đại diện tiêu biểu của cộng đồng người dân tộc Ba Na trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Bá Thanh Đô tự thấy mình phải có trách nhiệm truyền tải những giá trị nhân văn mà võ cổ truyền mang lại cho các võ sinh người Ba Na.
Võ sư Bá Thanh Đô trong một buổi đứng lớp tại một điểm tập trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Ảnh: CTV |
Đối với Đô, đó là sự tự hào và niềm vui không gì so sánh được. Là người lớn lên từ buôn làng, hiểu được những khó khăn mà người miền núi phải trải qua, Bá Thanh Đô muốn giúp các em học sinh ở Sơn Hòa có được sân chơi thể thao ý nghĩa thông qua võ cổ truyền.
Ngoài các điểm tập, tại nhà riêng của Đô ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước có không dưới 10 võ sinh là con em người Ba Na được Đô hướng dẫn tập võ. Đã có những câu chuyện giá trị về tình thầy trò; những nụ cười mãn nguyện về sự thành công từ ngôi nhà của Bá Thanh Đô.
Võ cổ truyền đã giúp cho Sô Minh Nguyên có thêm nghị lực và sự tự tin vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hoàn thành việc học phổ thông. Từ những căn dặn, hướng dẫn của võ sư Bá Thanh Đô, La Văn Danh - người con của dân tộc Ba Na vượt qua hạn chế về chuyên môn để trở thành VĐV trụ cột, đoạt nhiều thành tích cho đội tuyển Boxing Phú Yên hiện nay…
Theo Bá Thanh Đô, tập võ giúp võ sinh rèn luyện sức khỏe, hiểu được những giá trị đạo đức mà võ cổ truyền mang lại, hướng đến những giá trị thực chiến của võ thuật, nhất là biết tự vệ cần thiết trong những tình huống nguy hiểm.
Đối với các điểm tập phong trào, ngoài việc phát triển số lượng võ sinh, võ sư phải có trách nhiệm tuyển chọn được các võ sinh có tố chất để thử sức với môi trường thi đấu đỉnh cao. Từ quan niệm ấy, các điểm tập của võ sư Bá Thanh Đô luôn đóng góp nhân sự chất lượng cho đội tuyển Võ cổ truyền Phú Yên hiện nay như: Lê Thị Huyền Trân, Lương Hoàn Toàn…
HLV Trần Thế Vinh, Phó Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh, HLV đội tuyển Võ cổ truyền Phú Yên cho biết: “Bá Thanh Đô là một trong những võ sư có nhiệt huyết, tích cực phát triển phong trào võ cổ truyền tỉnh. Ngoài những giá trị mà em mang lại cho các võ sinh ở miền núi, tôi nhận thấy Đô là người của công việc, em luôn có suy nghĩ tích cực trong việc tuyển chọn những VĐV tốt nhất cho thể thao thành tích cao. Từ đây, nhiều VĐV người dân tộc thiểu số có cơ hội để tập luyện, tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp ở các sân chơi chuyên nghiệp”.
NHẬT HUY