Người biết lội, lúc qua sông nước, khi gặp sóng gió, có thể vượt hiểm nguy, có thể tự cứu mình và cứu người. Kẻ thích leo trèo làm sao tránh khỏi té ngã? Khi điều này xảy ra, chẳng những cơ thể bị đau, tốn kém thuốc men mà còn có thể tật nguyền, mang họa về sau. Lời xưa các cụ dạy: “Có phước sinh con biết lội/ Có tội sinh con hay trèo”. Ngẫm thâm thúy thật!
Ảnh: Dương Thanh Xuân
Từ lâu, bơi lội là loại hình hấp dẫn nhiều lứa tuổi. Không cứ gì vận động viên mới đi bơi. Ai chả thích vẫy vùng trong nước mát? Chỗ bơi có thể là ao nhà, vũng xoáy chân ruộng sau mùa lụt, bến nước quen thuộc guối gốc đa già, dòng sông trong xanh chảy ven làng. Cũng có thể là biển rộng mênh mông hay bất cứ nới nào có thể!
Hồi chưa biết bơi, người lớn hay xúi dại cho chuồn chuồn voi cắn rốn. Bởi ham thích, bật máu vẫn nghiến răng cố chịu. Sự đời vốn lạ thế!
Thuở đầu tập bơi, thường chẳng bài bản gì. Trái dừa điếc, đoạn thân chuối già, thùng dầu xà-lách rỗng ruột đều có thể trở thành phương tiện luyện tập tốt. Ai có chiếc ruột xe hơi cũ để ôm đã là sang! Theo thời gian, các động tác chân tay loạn xạ dần dần trở nên nhịp nhàng. Dẫu bơi chó, bơi ếch, bơi bướm, bơi đứng, bơi ngửa hay bơi trường sấp… kiểu gì cũng được, miền không chìm. Bấy nhiêu đủ hét toán mừng vui xen niềm tự hào. Lần đầu tiên, tấm thân được điều khiển để tự nổi và lướt đi trong nước, có lẽ đó là một trong những giây phút sung sướng của đời người.
Khi đã ràng bơi, nhớ lại, chả ai giống trong cách học bơi. Có người hạnh phúc vì được bố mẹ, anh chị chỉ vẻ vài động tác cơ bản hay đưa tay đỡ người lúc gặp khó khăn, một số người may mắn được huấn luyện bài bản đàng hoàn, lại có người phải bươn chải tự lực hoàn toàn (đa số). Giờ đây, trong số họ không ít người đủ lực qua sông, vượt lũ, có khi còn chiến đấu với sống biển hàng giờ để thoát cơn hiểm ác. Vậy mà lúc nổi trôi trên những đợt sóng cả cuộc đời, nếu không vững tâm lớn, con người ta vẫn dễ cảm thấy cô đơn và sợ hãi!
Đoàn Ngọc Thành