Mẹ tôi thật đơn sơ: cái ghim tóc của mẹ là ruột viết Bic hết mực thải ra. Cây gãi lưng chỉ là cuống tàu cau khô cắt ngắn.
Tình mẹ |
Và, những lời mẹ dạy cũng đơn sơ như cái ghim tóc, cây gãi lưng. Đơn sơ cứ như lời ru, thế mà cả đời vẫn đi không hết…
Mẹ dạy, không được dùng giấy có chữ viết mà đi vệ sinh. Phải quí trọng chữ nghĩa, không được làm dơ bẩn. Từ lời dạy của mẹ, tôi liên tưởng tới lời văn hào Victor Hugo: “Bởi vì người ta phải biết rằng, chữ nghĩa là một sinh linh”. Tôi rõ mẹ tôi không biết chữ, và tôi cắn nhẹ môi, im lặng…
Mẹ dạy, nhà có hành khất đến, phải tập trẻ nít xúc gạo gửi cho, để chúng có lòng thương người hoạn nạn ngay từ ấu thơ.
Mẹ cấm, không được rửa bát đĩa lúc trời xẩm tối. Lúc ấy, các oan hồn đói khát đi nhiều, nghe tiếng bát đĩa va chạm, ngỡ rằng có ăn uống, sẽ đổ xô đến chờ chực, tội nghiệp họ!
Trong trí óc và cả tâm hồn mẹ tôi, sự đói khổ, cơ cực không những tồn tại nơi trần gian mà vẫn trú ngụ triền miên nơi thế giới người đã khuất. Vậy, lòng thương xót phải rộng ra, rộng ra… Tâm của mẹ tôi, tôi có thể sờ được!
Mẹ tôi, nay đã quá già, mắt mờ, tai điếc, chân và hông có chiều hướng lệch lạc, đi đứng phải có gậy chống. Những suy tàn ấy, mẹ tôi đâu lo lắng. Mẹ chỉ lo lắng cho tất cả cháu con trong gia đình, đến cả tôi lớn nhất, mẹ vẫn không trừ. Những lúc họp hành, giao tiếp phải về muộn, tôi luôn điện thoại báo không ăn cơm nhà. Nhưng khi về, vẫn cứ thấy cơm mẹ để dành phần! Cơm canh đặt vào một chiếc mâm nhôm đựng nước không kiến, một lồng bàn ụp lên, và trên chiếc lồng bàn ấy, mẹ lại đội thêm một chiếc nón lá để trừ thằn lằn đái. Mâm cơm trông cứ như cái đầu ai đội nón, cô đơn, im lặng, nhẫn nhục, đợi chờ…
Còn nhớ, lần đầu tôi gặp biển, tôi choáng ngộp khi đối diện với một mênh mông. Lớn lên, tôi biết so sánh mênh mông này với một mênh mông khác, đó là bầu trời, thấy biển lại nhỏ đi.
Nay, khi cuộc đời đã bên kia dốc, tôi gom tất cả hai mênh mông trời biển, lại thấy bé hơn một mênh mông khác, đó là lòng mẹ tôi… Vâng, lòng mẹ tôi lớn hơn Trời cộng Biển!...
NGÔ PHAN LƯU
“Lòng mẹ” được trao giải ba cuộc thi “viết về mẹ” của tạp chí Kiến Thức Gia Đình Tạp chí “Kiến Thức Gia Đình” (phụ trương của Báo Nông Nghiệp Việt Nam) vừa công bố kết quả chặng một cuộc thi viết “Kể chuyện gia đình tôi” có tên “Viết về mẹ”. Giải nhất của chặng này thuộc về tác giả Trần Thị Hồng, con gái của cố nhà văn Nam Cao, với tác phẩm: “Không thể “sống mòn” với hai ước nguyện”, viết về chuyện đời của người vợ nhà văn hiện thực nổi tiếng này; ngoài ra BTC còn trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 7 giải khuyến khích và 6 tặng thưởng cho các tác phẩm có chất lượng được tuyển chọn trong tổng số 1.015 bài dự thi chặng này. Tác giả Ngô Phan Lưu của Phú Yên đã được trao giải ba với tác phẩm “Lòng mẹ” (Báo Phú Yên đăng lại trên trang Văn hóa – Nghệ thuật số báo này). Đây là giải thưởng văn học thứ ba của tác giả này sau khi ông đã giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Tài Hoa Trẻ năm 2001 và tặng thưởng về truyện ngắn cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền Phong cũng trong năm 2001. Được biết, cuộc thi viết ngắn “Kể chuyện gia đình tôi” gồm có ba chặng, ngoài chặng một “Viết về mẹ”, chặng hai có chủ đề “Tình người xa quê” và chặng cuối là “Những kỷ niệm khó quên trong đời”, diễn ra từ tháng 6-2005 đến tháng 6-2006. Tất cả các giải thưởng của từng chặng đều được lọt vào vòng chung khảo. Giải nhất của cuộc thi này có giá trị 10 triệu đồng. KHƯƠNG NGUYÊN |