Những ngọn gió bấc đã rủ nhau về. Gió thổi liu riu từng cơn vậy mà lạnh thấu da thịt. Tôi với lấy chiếc áo dài tay khoác lên người trước khi thả chân xuống nền gạch lạnh ngắt. Nội vừa từ chợ trở về cùng chiếc giỏ đầy ắp. Thứ níu giữ đôi mắt cùng những giác quan tôi là xâu sắn gòn lấp ló giữa những bí và khoai.
Nội sai tôi mang những củ sắn gọt vỏ rồi cắt thành từng đoạn ngăn ngắn. Đằng sau lớp vỏ dày, màu đỏ nâu hun hút còn dính đầy đất cát là lớp thịt căng trắng, đầy quyến rũ. Nội bỏ những đòn sắn vào chiếc xoong bắc lên bếp lửa đang cháy hừng hực. Nội chụm thêm mấy que củi rồi thả vào xoong một ít muối. Làm như vậy để khi sắn chín, những đòn sắn bùi bùi hòa cùng vị mằn mặn ngon hơn.
Lửa cháy đều và giòn giã. Tôi nghe tiếng nước réo ùng ục. Những luồng hơi lách qua kẽ hở bốc ra khỏi xoong. Sắn đã gần chín. Tôi mang đậu phộng giã thật nhỏ, pha thêm ít muối và đường. Chén muối đậu phộng thơm lựng xong xuôi đợi chờ những đòn sắn đang chín tới. Tôi giống nội, thích nhất món sắn gòn còn nóng hổi chấm muối đậu phộng. Mỗi lần cùng nội nấu ăn, tôi lại được nghe những câu chuyện về món ăn đó.
Nội kể hồi kháng chiến, mỗi khi cùng đồng đội đi qua vùng nào đầy sắn và khoai, cả đội mừng lắm. Cứ hễ nhổ lên một bụi lại bẻ ngay những lóng từ thân cây trồng lại cho người đến sau được hưởng. Sắn và khoai khi ấy là nguồn lương thực cứu đói bền vững nhất. Rồi kháng chiến đi qua, tàn dư cái nghèo vẫn còn đau đáu.
Mùa màng thất bát, nhà lại đông con, những nồi cơm bảy phần độn sắn, ba phần thêm khoai lại càng dễ gặp. Nội bảo, ấy là cái thời “Củ khoai củ sắn thay cơm/Khoai bùi trong dạ sắn thơm trong lòng”. Vậy mà nuôi sống cả nhà.
Nội mở nắp xoong, cắm đôi đũa vào đòn sắn. Đòn sắn nứt ra bùi ngận. “Thêm chút nữa là chín!” - nội chắc chắn. Sắn còn có thể ăn kèm với nước mắm, mắm ruốc hay cả chén muối é cay sè từ ớt xiêm. Mỗi thứ nước chấm cho một hương vị khác nhau, hấp dẫn.
Sắn gòn khác với giống sắn cao sản. Cây sắn thân cao, củ không to nhưng sai, giàu tinh bột thuần khiết. Củ sắn còn dùng để làm bột mì - nguyên liệu chủ yếu của nhiều món ngon. Lá sắn màu đỏ sậm, có thể chế biến thành canh, nộm hay xào. Hồi xưa, sắn cứu đói, giờ sắn trở thành món ngon vật lạ.
Sắn đã chín. Nội vớt từng đòn sắn căng mọng ra chiếc rổ. Hơi nóng bốc lên nghi ngút xộc thẳng vào mũi, vào mặt thơm ngon, ấm áp vô ngần. Tôi tách một đòn sắn nóng hổi, chấm muối đậu phộng cho vào miệng.
Cái vị ngọt bùi, dẻo thơm từ sắn hòa cùng vị béo của đậu phộng rang, mằn mặn của muối, ngọt dịu của đường cứ quấn quýt mãi nơi đầu lưỡi. Gió bấc vẫn từng đợt lùa trên lớp da nhưng cái lạnh dường như đã tan biến tận khi nào.
LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM