Mỗi khi có dịp về làng cũ, tôi thường ghé qua chợ xổm mua ít quà cho ba má. Với tôi, chợ xổm là hình ảnh gần gũi, thân thương.
Xóm nhỏ nằm cách xa chợ trung tâm của xã vài cây số. Quãng đường ấy chẳng xa xôi gì với người trẻ nhưng rất cách trở đối với các cô dì lớn tuổi. Hơn nữa ở quê, nhà ai cũng trồng được vài trái bí, trái bầu, mớ rau, chục trứng nên không mang tít ra chợ lớn, thế là chợ xổm được hình thành.
Tên gọi chợ xổm mang nghĩa là chợ nhóm họp tạm thời, mua bán nhanh gọn, hàng hóa giản đơn, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Chợ xổm của xóm tôi nằm ở vị trí rất thuận lợi, trên khu đất trống vài chục mét vuông, cạnh hàng tre dày tỏa bóng mát, sát trục đường chính ra vào nên có đông người qua lại.
Chợ nhóm họp từ lúc tờ mờ, đến khoảng nửa buổi sáng là xong. Ngày nghỉ cuối tuần thì chợ họp lâu hơn, còn ngày thường, mà nhất là vào vụ mùa thì khẩn trương lắm.
Mới đầu, hàng hóa ở chợ xổm còn đơn sơ, chỉ là rau củ quả của bà con trong xóm mang đến như bí, bầu, dưa, mướp và các loại rau, trứng gà, trứng vịt. Sau đó, thấy nhu cầu của bà con cao hơn, vợ chồng một người anh đã mua thịt heo, cá biển về bán lại để kiếm ít tiền công.
Dần dần các chị, các cô bán thêm thức ăn sáng như xôi, bánh bèo, bánh canh, bánh hỏi, bún… Nhờ thế, chợ xổm trở nên nhộn nhịp hơn.
Chợ xổm là nơi in đậm dấu ấn văn hóa của làng quê. Người đến chợ hầu hết là phụ nữ trong xóm, vừa mua bán vừa thăm hỏi nhau, hiểu chuyện làng xóm, thời vụ, mùa màng...
Chợ không có gian hàng hoặc bàn ghế cố định mà các bà, các mẹ quảy đôi quang gióng, đội thúng, xách giỏ hoặc bưng bê thúng rổ đến đây rồi bày ra để mọi người chọn lựa. Cách mua bán ở chợ xổm cũng hay lắm, mua theo mớ, theo chục, tùy trái lớn nhỏ mà tính tiền, chẳng câu nệ chuyện lời lỗ vì phần lớn hàng hóa là của nhà làm.
Mỗi nhà một thứ khác nhau nên sẵn sàng trao đổi mớ rau, trái dưa lấy trứng gà, trứng vịt. Hơn nữa, đều là người làng thân thiết nên còn biếu thêm trái bắp, củ khoai, củ sả... Người quê mua bán thật thà, chất phác, chẳng thách giá, thậm chí thảo thơm theo kiểu “chục có đầu”. Tan chợ thì cùng nhau dọn vệ sinh, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Vài năm gần đây, tổ phụ nữ phối hợp với những nhà hảo tâm, những phật tử ở chùa quê làm từ thiện bằng cách nấu các món chay để biếu bà con trong xóm vào ngày rằm và mùng một. Chợ xổm trở thành nơi tập trung để những người già, có hoàn cảnh khó khăn, kể cả người có nhu cầu đến nhận. Khi ấy, tình làng nghĩa xóm, tinh thần đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau được nhân rộng. Cho đi để nhận lại, tất cả đều hoan hỉ, ấm lòng.
Cuối tuần, trời mát mẻ, nhiều sương, tôi về quê từ sớm và ghé chợ xổm mua thức ăn sáng cho ba má. Gặp nhiều cô, dì quen thân nhưng cũng nhiều người trẻ không nhận ra. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương “Khi đi trẻ, lúc về già/ Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao/ Trẻ con nhìn lạ không chào/ Hỏi rằng khách ở chốn nào lại chơi?”. Về quê gặp những niềm thương bình dị, gặp những người phụ nữ giống hệt như má tôi tảo tần, lam lũ. Về làng Vĩnh Phú, về bên ba má, lòng tôi vui mừng và cũng thấy ấm áp khi gặp lại hình ảnh chợ xổm chốn quê!
PHAN HUY THÙY