Những ngày mùa đông, bữa cơm chiều của nhà tôi thường có món mắm cua đồng. Chỉ có mùa đông khi trời mưa dầm cả ngày cùng với gió bấc se lạnh thì bữa cơm chiều với rau lang hoặc rau muống luộc chấm với mắm cua đồng mới ngon ơi là ngon!
Quê tôi, mỗi khi đông về, cua ở cánh đồng sau nhà là “kho dự trữ thực phẩm” của mọi nhà. Theo lời mẹ nói: “Cua đồng tháng 9, tháng 10 âm lịch là ngon nhất, bởi vỏ mỏng, thịt và gạch nhiều. Các mùa khác vỏ cua cứng, ít thịt”. Còn nhớ lúc nhỏ, những ngày nghỉ học, anh em tôi hay ra đồng bắt cua về để mẹ nấu canh riêu nêm lá gừng và không quên làm một tô mắm cua cho cả nhà ăn cơm.
Làm mắm cua đồng không tốn sức, không tốn tiền nhưng khá công phu. Cua bắt về mẹ cho vào chát đất, đổ nước ngập hơn gang tay ngâm để bùn đất ở thân cua được rửa sạch, một tiếng mẹ thay nước một lần, cuối cùng là ngâm cua với nước vo gạo pha ít muối hột và loại bỏ cua chết. Làm mắm cua đồng có hai cách rang hoặc nướng. Mẹ tôi thường nướng vì vỏ và càng cua cháy sém, có mùi thơm khen khét đặc trưng. Nướng xong, mẹ bóc bỏ mai và yếm, lấy thân, càng cho vào cối đá giã nhuyễn với é trắng và tỏi. Xong, mẹ múc vào cái tô lớn và chế ít nước mắm, khuấy đều tỏa ra mùi thơm nức mũi làm bụng thêm cồn cào.
Mùa đông năm nay tôi được ăn lại món mắm cua đồng do mẹ làm. Vừa giã cua, mẹ nhắc lại một thời gia đình đông con khốn khó, khi anh em chúng tôi thèm một bữa cơm trắng ăn với mắm cua đồng mà không đủ gạo để nấu, toàn phải ăn cơm độn khoai, độn sắn… Còn tôi, mỗi khi mùa đông về lại chênh chao nhớ những ngày thơ ấu cùng bạn bè bì bõm bắt cua mang về cho mẹ.
Những đứa em kề, nay sinh sống, lập nghiệp ở xa, mỗi khi đông về, hay nhắn tin: “Thèm mắm cua đồng ở quê quá anh ơi”. Vậy đó, mắm cua đồng không cao sang nhưng là món ăn dung dị đậm chất quê.
HOÀNG HÀ THẾ