Thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân nơi có hai dòng sông Cái và sông Côn bao bọc, người dân ở đây đã quá quen với mùa mưa lũ. Tháng 9, 10 âm lịch, những cơn mưa lớn trút xuống làm đất trời tối sầm, cả thị trấn như một chảo nước ngầu đục.
Con đường ĐT641 nối phố núi với đồng bằng đến mùa mưa là bị cô lập dài ngày. Dòng sông Cái và sông Côn ngày thường vốn hiền hòa ôm lấy hai ngả đường vào thị trấn bây giờ trở nên hung hãn.
Cây cầu cũ bắc qua dòng sông luôn dầm mình trong mưa lũ. Người dân quê tôi cứ dõi mắt về phía cây cầu nén tiếng thở dài cho những trắc trở đò giang, những lo âu khi con nước lớn. Lâu rồi cũng thành quen, cứ mỗi lần mưa to dầm dề trắng trời, bạc đất, người ta rủ nhau đi xem con nước lớn ra sao để liệu bề dọn lụt, chạy lũ.
Sau cơn lũ lịch sử năm 2009, người dân Đồng Xuân càng thấm thía hơn nỗi lo khi phải sống chung với lũ. Những đôi mắt đầy thấp thỏm âu lo khi con nước lớn. Những gian nhà trống mỗi khi nước sắp tràn về. Những tiếng thở dài của bà con nông dân khi nhìn cánh đồng ngập trắng…
Mùa mưa lũ về, cái khó hiện diện ngay trong những bữa cơm chỉ có mắm và đậu phộng rang cầm cự chờ nước rút. Những đêm nước sông dâng cao ngấp nghé tràn đường là những đêm phố núi không ngủ. Thanh niên, đàn ông cứ thức mà canh nước, còn phụ nữ thì dọn dẹp thu vén đồ đạc chất lên cao để mong không còn cảnh trắng tay như trận lũ lịch sử đã qua.
Sống ở miền núi, chẳng ai nghĩ phải sắm thuyền, sõng câu. Vậy mà để sống chung với lũ, nhiều gia đình chung nhau đóng chiếc sõng phòng khi nước lớn còn có phương tiện thoát thân và cứu người.
Bên cạnh dùng sõng câu thì những bao ni lông lớn giờ lại là vật dụng cần thiết chứa đồ đạc, từ quần áo, vật dụng sinh hoạt, máy móc để khi nước lên khỏi bị hư hỏng. Đó là cách người dân quê tôi bảo vệ tài sản bao năm tích cóp, dành dụm mỗi lần nước lũ tràn về. Vào mùa mưa lũ, hầu như gia đình nào cũng ở tư thế sẵn sàng như trong thời chiến.
Câu chuyện phổ biến của mỗi người, mỗi nhà luôn là về thời tiết. Bà con thông tin với nhau, giúp nhau dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc, chia sẻ lương thực, quần áo, chuẩn bị sõng để cứu người khi gặp nguy nan. Thế mới biết trong hoạn nạn người ta quý nhau hơn, sẻ chia đùm bọc nhau nhiều hơn để cùng vượt qua khốn khó…
Hiện nay, ai có dịp đến La Hai sẽ thấy sự đổi thay không nhỏ: Thị trấn đẹp hơn, hiện đại hơn với những cây cầu vươn dài nối đôi bờ sông Cái, sông Côn. Mùa nước lũ giao thông vẫn thuận tiện, không còn cảnh bị chia cắt như trước nữa. Thêm vào đó là những cánh rừng mới trồng và cả những cánh rừng đã 2, 3 năm tuổi đang bắt đầu phủ xanh những vùng đất trống, đồi trọc.
Những rừng cây bạch đàn thân trắng vươn cao, những vạt keo lá tràm xanh mướt dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện và cả đường liên tỉnh khiến ta cảm thấy tràn đầy hy vọng và niềm tin khi con người đang dần nâng cao ý thức và xem đó là cách bảo vệ mình trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Nỗ lực trả lại màu xanh cho rừng không chỉ là cách người dân quê tôi làm kinh tế mà còn vì mong mỏi con cháu mình không phải âu lo, thấp thỏm mỗi khi nước lũ tràn về. Rừng sẽ lại xanh, đất sẽ lại mỡ màu, nước bạc sẽ không còn ngầu đục giận dữ và cuộc sống của người dân quê tôi sẽ khởi sắc hơn trong tương lai.
LÊ KIM LAN