Thứ Ba, 26/11/2024 13:55 CH
Nước mắt của đá - truyện ngắn của NGUYÊN HẬU
Chủ Nhật, 30/07/2023 10:00 SA

Minh họa: P.V

Mới đầu chỉ là một vòng tròn rất nhỏ, sau đó lan rộng ra và dàn thành dải mây màu đỏ khổng lồ trên bầu trời phía tây làng Đồng. Tụi trẻ chăn bò là những người phát hiện đầu tiên, và ngay lập tức tin đó được lan truyền khắp làng, với nhiều thêu dệt, mở đầu cho một ngày đầy nghi ngại. Có lẽ người duy nhất dửng dưng là lão Khàn.

 

Lão ngồi nơi bục cửa ám khói, đôi mắt đục mờ. Lão ngồi đó, như một cây rơm đã cũ, như tháng năm ngủ quên và ẩn chứa bao nhiêu vết tích u buồn. Lão vẫn ngồi đó và chỉ với một nỗi niềm tranh đấu trong chính trái tim già nua của mình. Lão hấp háy mắt, nhìn ra phía cánh đồng, nơi những bờ đất nhỏ xíu như con lươn đang lẩn trong mặt bùn ngoằn ngoèo dẫn vào mảnh vườn đầy cây tạp. Lão ngóng chờ đứa con trai độc nhất trở về. Nhưng rồi cũng chính lão vò đầu bứt rứt, mong nó hãy cứ biệt xứ, đi mà không một tin tức gì và ngày nào còn chưa có tin nghĩa là ngày đó nó vẫn còn sống. Nó hãy sống và đừng trở về, hãy để lão gánh mọi tai ương cho dù tai ương đó đến tự phía nào.

 

Năm đó đất Đồng vẫn còn trù phú lắm. Nhìn từ chân núi Bạch Lãnh xuống tận cánh đồng viền quanh làng, cơ man cây cối xanh tươi. Mùa xuân đến, đứng từ nơi này, nhìn suốt xuống phía tây đông, thấy làng trông như quả bóng màu xanh lục, mà sợi dây cầm là con đường làng uốn lượn dẫn ra tận con lộ lớn. Trên lưng chừng núi Bạch Lãnh, có hòn đá hình con cóc ngậm ngọc nằm sừng sững, án ngữ hứng ánh mặt trời từ lúc hừng đông trước mặt và chầm chậm đón tia nắng cuối cùng trước khi mặt trời bị những dãy núi sau lưng nuốt chửng. Bậc tiền nhân truyền lại rằng hơn trăm năm trước, có ông thầy địa lý đi ngang qua làng, nhìn thế núi lừng lững với dáng đá như cóc ngậm ngọc, nhắn gửi làng Đồng muôn đời nên gìn giữ để duy trì vượng khí tốt tươi.

 

Khi ấy lão Khàn vẫn còn trẻ, đơn độc và trơ trọi. Khàn sống bằng nghề làm cối đá. Bàn chân ông băng qua hầu hết các dãy núi bao quanh làng Đồng, gót chân dày lên gai không đâm thủng. Năm đó, vào tháng mười một, gió núi về lạnh thấu xương, ông gặp một người đàn bà ăn mày trôi sông lạc chợ. Họ đùm bọc và có với nhau một đứa con trai. Nhưng khi nó lên hai tuổi, người đàn bà đó bỏ đi cũng trong một đêm tháng mười một gió lùa hun hút. Ông cõng nó trên lưng, cùng với cái túi vải bố chứa những dùi, đục kiếm cơm rong ruổi. Hễ nhà nào cần đục đá làm cối xay thì lão đến, ai trả gì lấy nấy, ăn bữa cơm đạm bạc rồi đi. Có điều đặc biệt là chủ nhà nào đối đãi tử tế với con trai thì ông làm hết sức hết lòng, mà người nào hắt hủi hay nhạt nhẽo thì ông khước từ, không nhận nữa dù dở dang công việc. Rong ruổi đến năm mười tuổi thì thằng bé cũng bắt đầu học việc, nó phụ lão và có vẻ thích thú với nghề làm đá. Ông xót con ghê gớm. Bàn tay ông có thể bầm dập, xơ xước nhưng chỉ một vết kiến cắn trên cánh tay con, ông cũng hít hà vô cùng tận. Thế nhưng năm nó hai mươi thì nó vụt khỏi tay ông. Nó thạo nghề, sắm chuyến cùng đám thợ con tuyển được từ lũ thanh niên trong làng đi làm xa, mà theo y lời nó là “làm ăn lớn chứ không làm đầy tớ thiên hạ như bấy lâu nay”. Ông bất lực, ông khổ tâm, ông nhớ thương nó như chính ngày nào còn đu sau lưng đi qua hết làng này làng khác.

 

Nó đi, chưa đầy năm năm sau đã trở về với vốn liếng sấp ngửa trong tay. Chưa kịp vui vì nó quyết tâm ở lại làng thì ông đã phải nhảy dựng lên như bị đốt bởi nó quyết san bằng những mỏm đá đen nơi lưng chừng núi Bạch Lãnh.

 

- Vàng đó chớ đâu mà ba can.

 

- Tao nói rồi, đi đâu thì đi, mày không được động vào Hòn Cóc.

 

- Vậy để con như ba chắc, cơm thừa canh cặn thiên hạ con không ăn nữa...

 

Dẫu biết bước vào tháng tám trời đã có mưa đầu mùa, thằng con lão vẫn tiến sâu vào Hòn Cóc với hy vọng sẽ thu dọn bãi vào cuối tháng mười, khi mùa mưa trở nên hung hãn. Nhưng năm ấy mùa mưa đến sớm hơn dự tính. Cứ vừa dứt những cơn mưa dông ầm ào, lớp đất rừng rực lên một mùi ẩm mục. Lũ mối, bọ chét, muỗi rừng cùng đám rết, bọ cạp đen từ các hốc cây túa ra đàn đàn lũ lũ. Mới sau một tháng dựng trại nơi chân núi, đã có ba trong nhóm bảy người thợ bị sốt rét rừng. Nằm trong lán trại nhìn qua màn mưa rừng mù mịt, đám thợ không khỏi nản lòng song vẫn cố gắng cầm cự, vớt vát niềm tin thu vén nguồn lợi của rừng. Sau khi san bằng những mỏm đá đen lân cận, đến khi định làm mẻ cuối cùng, bắt đầu nổ nửa thân Hòn Cóc để thửa số đá đen cho đủ chuyến thì đêm đó lũ về nhanh như lửa quét. Cánh rừng nơi lưng chừng núi Bạch Lãnh gần như trơ trọi sau những dấu chân của cánh thợ rừng, lại thêm hoang tàn bởi bàn tay của tốp thợ đục đá, không còn gì để níu giữ được sức nước từ những khe núi đổ về. Sáng ra, làng Đồng xơ xác như tàu lá chuối vừa trải qua gió dữ. Người làng may mắn chạy lũ trong đêm song không kịp chuyển đàn gia súc, gia cầm nên hầu như mất trắng. Số đá đen khai thác được chưa kịp chuyển đi bị vùi lấp hết xuống khe núi lở. Con trai lão Khàn không kịp thu dọn tàn quân, trốn đi ngay sau đó vì ngay cả tiền công cũng không đủ trả.

 

Sau trận lũ, núi Bạch Lãnh ngăn cách với làng Đồng bằng một khe vực sâu hun hút, như một vết thương không thể nào lành miệng. Từ cánh đồng đầu làng nhìn về hướng núi chỉ còn một mỏm đá đen loang lổ hình hài và nó như vết dao cứa sâu vào nỗi khổ tâm trong lòng lão Khàn qua hết năm này tháng nọ.

 

hư một sự trả giá hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thiên tạo, mà mấy năm liền sau đó làng Đồng hết hạn hán kéo dài lại đến lũ chồng lũ. Rồi hết mất mùa lại đến dịch bệnh, lũ trẻ làng bỏ quê đi tìm vùng đất hứa. Mỗi bận người làng nhìn những vết tích nham nhở nơi Hòn Cóc, lại trả ánh nhìn đầy oán trách lên lão Khàn. Chính con trai lão, chính nó đã phá vỡ cái vượng khí của cả làng. Chính nó.

 

Tụi nhỏ vẫn không ngừng kể về dải mây màu đỏ. Những người già từng trải thì làm an lòng tụi nhỏ khi nói rằng ráng đỏ hừng hực thì năm nay trời nắng dữ, phải trữ nước từ bây giờ. Riêng lão Khàn vẫn đăm đăm hướng núi. Với lão, thời gian đã ngưng lại tự lúc đứa con trai biệt xứ. Trong ký ức già nua của lão, chỉ quẩn quanh hình ảnh đứa con trai vẫn còn bé dại lắm, vẫn còn theo lão rong ruổi từ làng này qua làng khác với những cối những chày bằng đá. Vậy nên lão không biết đã hai mươi năm có lẻ trôi qua, lão vẫn cứ đăm đăm nhìn về hướng núi, không còn nhận ra đứa con trai tha hương đã trở về. Với vốn liếng trong tay, giờ nó lại quyết tâm trồng lại cánh rừng trải dọc chân Hòn Cóc như một sự chuộc tội với làng. Từ phía làng Đồng nhìn về núi Bạch Lãnh, giữa cánh rừng cây non đang lên, nửa thân Hòn Cóc nổi lên như vệt nước đen. Phải chăng đó là giọt nước mắt của đá?

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng bảy với niềm tưởng nhớ biết ơn
Chủ Nhật, 30/07/2023 06:00 SA
Lời ru tháng bảy – thơ NGUYỄN TƯỜNG VĂN
Chủ Nhật, 30/07/2023 06:00 SA
Khúc tháng bảy – thơ HUỲNH DUY HIẾU
Chủ Nhật, 30/07/2023 06:00 SA
Lỡ - thơ THỤY BÌNH
Chủ Nhật, 30/07/2023 06:00 SA
Soi cá đồng đêm mưa
Chủ Nhật, 23/07/2023 06:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek