1
Hồi ấy học lớp 8, là con gái nhưng tính tôi tợn lắm. Trong lớp thằng nào lôm côm, tôi nện liền. Nề nếp, trật tự của lớp tôi trị đâu ra đó. Đứa nào lì, đi học trễ, áo quần xộc xệch, bỏ dép chạy tơn tơn ra ngoài hay hiếp đáp con gái, làm hỏng đồ dùng học tập của bạn là tôi “xử” ngay.
Hôm ấy, thằng Khánh tự dưng đổi kiểu, giờ ra chơi hổng chạy nhảy ơi ới như mấy bữa mà ở lại lớp phá. Nó lại bảng vẽ vời lung lung, lau rồi vẽ, vẽ rồi lau... Loay hoay một lát, hộp phấn đang còn nguyên trong phút chốc đứt đoạn tang thương dưới tay nó.
Tôi bước lên, giật từ tay nó viên phấn cùng cái khăn lau bảng, hét:
- Mày thích thì mua phấn vẽ các bức tường nhà mày, muốn vẽ rồng vẽ rắn gì tùy thích. Còn bảng này phấn này là để thầy cô giảng bài, không phải đồ mày mua nghen!
- Cái đồ… mập như heo, hung bạo như cọp cái!
A, cái thằng lếu láo. Dám động tới nỗi đau to bự của bổn cô nương. Liền sau câu đó, tôi cầm “gậy như ý” của lớp, lao tới phang vào vai nó một cái. Thằng Khánh điếng người, nhăn nhó nhưng vẫn cắn răng chịu đau, lấy tay xoa lia lịa chỗ tôi vừa rút cái thước ra. Thấy nó mêu mếu, tôi biết mình đã lỡ tay.
2
Tôi hơi lạ khi thấy thằng Khánh đang đứng cạnh chiếc xe lăn của một người đàn ông đội mũ cối. Thấy tôi, nó chạy lại, nắm tay áo kéo, kiểu như lôi lại trước mặt để trình diện:
- Lớp trưởng lớp con nè ba!
Tôi lúng túng, không hiểu đang xảy ra chuyện gì. Thằng Khánh nói như nhắc nhở:
- Đây là ba tao.
- Dạ, con chào chú.
Tới lúc này tôi đã lờ mờ hiểu chuyện nên tim đập hơi mạnh.
- Chú nghe nói con học giỏi, là một lớp trưởng rất nghiêm khắc.
- D…ạ…, c…o…n…
- Điều đó rất tốt. Nhưng ý chú là khi con “trừng trị” các bạn, nhớ nương tay một chút. Chứ như hôm qua con hơi lố, vai thằng Khánh sưng vù và bầm tím. Thằng Khánh kéo nhanh áo, phơi chỗ bị thương ra làm minh chứng, tôi thấy mà cũng đau theo.
- Ôi…
Bối rối vì vết bầm quá sức tưởng tượng, tôi lí nhí xin lỗi chú, xin lỗi bạn.
- Cháu là một đứa trẻ có giáo dục. Hai đứa vào lớp đi!
Nói rồi chú đưa tay đẩy cho chiếc xe lăn quay đầu, chỉ một cái nhìn và một câu nói, mọi kiêu ngạo hống hách trong tôi biến mất, nhường lại cho sự ăn năn.
Bữa cơm chiều hôm ấy, tôi kể chuyện ba thằng Khánh đến tìm mình trước cổng trường. Mẹ lo lắng hỏi có chuyện gì. Tôi nhanh trí, thêm bớt một chút rồi kể có đầu có đũa mà không đả động gì tới chuyện tôi đã dùng thước bổ ào xuống vai thằng bạn. Kể xong, tôi lên giọng phê phán:
- Chuyện có vậy cũng dắt ba tới trường, con trai chi đâu mà mềm như sứa!
- Ủa, lớp con làm gì có vị phụ huynh nào ngồi xe lăn ta? - Ba hỏi đầy kinh ngạc.
Mẹ nói như hét:
- Chú Thản chồng thím Đúng đó. Lấy trâu thì phải cõng nghé chứ sao.
- À, thằng Thản xóm trên. Cách nhau có trăm mét mà ở hai xã khác nhau nên tự dưng quên lửng.
- Nghĩa là chú còn độc thân nhưng lấy mẹ thằng Khánh, hả mẹ?
- Ừ. Chuyện yêu đương phức tạp, phải duyên đâu ưng đó chứ thời buổi này ai câu nệ nữa. Nhỏ hỏi chi chuyện đó.
Cũng may, đoạn đường đến trường tôi có ngang qua nhà thằng Khánh. Trước giờ, tôi chê đoạn đó vắng vẻ không đi, cứ bươn ra đường lộ 29 đi một quãng thiệt xa cho náo nhiệt. Giờ nghe một vài thông tin không đầy đủ về ba thằng Khánh, tôi muốn được mục sở thị cơ ngơi của người thương binh được một nông dân lực điền như mẹ khen không tiếc lời.
3
Có vẻ như chú Thản luôn thức dậy trước giờ mặt trời mọc. Mỗi buổi sáng đi học sớm, tôi đều bắt gặp chú trong ánh bình minh. Ngồi im nhìn về hướng mặt trời như không nghĩ ngợi gì, chắc chỉ để nghe tiếng gió buổi sáng, ngắm giọt sương rơi. Không mấy bất ngờ, trang phục quen thuộc vẫn là chiếc áo lính sờn vai. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt xa xăm ấy là ngôn ngữ của niềm tin.
Chú Thản tìm đến khi thím Đúng vừa mãn tang chồng. Chuyện này nghe ly kỳ như có sự can thiệp của tâm linh vũ trụ vậy - ba tôi nói. Người ta kể có một bác ở tỉnh ngoài đi tìm hài cốt người bạn chiến đấu của mình. Có người chỉ đến Đường 5. Hồi ấy, người liệt sĩ đó đã chiến đấu cho Sư đoàn 320 đánh địch từ Tây Nguyên rút xuống. Nhưng Đường 5 thì mơ hồ quá. Đến đây lại có ai đó chỉ đến nhà chú Thản, người trực tiếp tham gia trận đánh này. Bằng cách nào đó, chú len lỏi dò hỏi, và đích đến là nhà thím Đúng. Ba thím (ông ngoại thằng Khánh) từng kể với mọi người đã tự tay chôn một người lính bên tảng đá to ngay đám đất hoang kề Đường 5. Tìm thấy rồi. May mà ông ngoại Khánh, dù không còn nhanh nhẹn nhưng ký ức quan trọng đó vẫn không bị mai một. Thật là một điều may ngoài mong đợi. Chú Thản đã tìm đúng con đường mà số phận đã dành cho mình.
Đưa một cụ già 83 tuổi đi tìm hài cốt liệt sĩ chẳng thể là công việc ngày một ngày hai. Gặp nhau nhiều, góa phụ trẻ trung và chàng thương binh di chuyển bằng xe lăn đã đầu mày cuối mắt. Xong câu chuyện cao cả thì chú trở thành ba thằng Khánh trong sự lo lắng của mọi người. Nhưng mọi sự lo lắng đã trở thành thừa thãi khi người ta tận mắt thấy những nỗ lực của chú Thản. Thím Đúng, với vẻ dịu dàng như dòng nước mát thấm ướt trái tim khô cằn của người thương binh. Sau này, chú Thản vẫn tự hào khoe, mang ơn thím, đó là mối tình duy nhất từ trước đến nay.
4
Sau một cơn hôn mê dài vì trúng đạn trong trận đánh sinh tử cuối cùng, tỉnh dậy, anh lính tên Thản bàng hoàng sờ vào vết thương đau đớn dưới đùi. Ba mươi bảy tuổi. Mất đôi chân rồi, sẽ về làng, sẽ sống sao đây...
Buồn rầu, đau đớn, có lúc muốn tự tử cho xong. Nhưng nghĩ đến cảnh cha mẹ già chờ mong con héo hắt, giờ con về tàn tật, cha mẹ phải giấu giọt nước mắt vì sợ con buồn tủi, chú Thản quyết tâm bằng mọi giá, đã không chết thì phải đứng dậy. Tư cách lính không cho phép chú đổ gục.
Phải mất mấy năm để ổn định, để chú làm quen với sinh hoạt của người không có đôi chân. Rèn mãi, bằng ý chí, rồi chú cũng dùng nửa thân người linh hoạt di chuyển cùng sự hỗ trợ chống đẩy của đôi tay. Rốt cuộc thì việc đi lại cũng như những hoạt động sinh hoạt khác, chú Thản đã có thể tự lực, đặc biệt còn nhanh nhẹn không kém người thường.
Chú đã là chỗ dựa của ba mẹ khi huy động nguồn lực mở một tiệm internet nhỏ. Chú mua nhiều sách tin học về tự học và nhận sửa chữa, cài đặt win. Hồi ấy máy tính và internet mới đưa về nông thôn, tiệm chú Thản đông khách lắm.
Nhưng khi đến với thím Đúng, thời thế đổi thay. Tiệm internet và công việc sửa chữa đã lỗi thời. Quan sát thấy khu đất nhà thím Đúng rộng rãi, vùng đồi xưa chỉ toàn cỏ tranh, chú Thản đã nghĩ cách cải tạo để trồng rau, nhưng sau được tư vấn, chú chuyển thành trang trại trồng nấm sạch.
Người tư vấn cho chú là một người bạn lính ở Đồng Tháp, quen nhau theo tính chất bắc cầu. Quả nấm to, đều, sạch. Nguồn nguyên liệu được thanh trùng, trồng trong nhà kín cách ly với môi trường bên ngoài, không phụ thuộc thời tiết, tránh côn trùng gây hại. Người bạn sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm nhưng cũng đe, mô hình này không dễ vì trước nay cứ 10 người theo thì thất bại hết 8. Nhưng cảm mến nghị lực của chàng thương binh hạng nặng, chủ trang trại - chuyên gia - đã chỉ dạy tận tình, truyền bí kíp trồng nấm sạch cho chú Thản và hứa sẽ đầu tư. Chú về, bàn với vợ chuyển vốn đầu tư, thế chấp nhà đất của gia đình để trồng nấm sạch.
Hình ảnh anh thương binh cụt hai chân những ngày đầu khởi nghiệp khiến bà con không khỏi ngỡ ngàng. Thuê nhân lực, đầu tư hàng trăm triệu đồng làm nấm. Khi công trình vận hành, nhà nấm cũng nhiều phen lao đao, đặc biệt mấy năm dịch bệnh, nông sản ế ẩm. Nhưng rồi bằng tất cả quyết tâm, thay đổi hướng làm, cách tiếp cận khách hàng, đến nay, “cú liều” đã giúp chú thím nên chuyện. Mẹ tôi kể, hai vợ chồng đang tính xuống phố, vào những đại lý, siêu thị giới thiệu, hy vọng sẽ đưa sản phẩm nấm sạch đến tay người dùng.
Vừa rồi, một nhà báo tìm tới viết bài về nghị lực của anh thương binh tàn nhưng không phế. Nhưng chú Thản không cho, chú chỉ còn nhiều bạn lính bị thương nặng hơn, và thành công của họ còn hơn cả chú.
Ba thằng Khánh như vậy, hèn chi, khi bị đứa nào bắt nạt, nó đều méc…