Thứ Năm, 28/11/2024 03:37 SA
Món đường đen của mẹ
Chủ Nhật, 19/02/2023 15:53 CH

Nhà trồng đám mía bên sông, năm nào thu hoạch ba cũng chở mía cây tới lò thuê ép, nấu được hai thùng đường đen. Số đường ấy mẹ bán một thùng, còn một thùng để dành ăn.

 

Thùng đường đen mẹ quản kỹ lắm: đậy kín, cất trong buồng, con cái đứa nào muốn ăn phải hỏi xin. Mẹ duyệt mới được ăn, không thì đừng hòng ho he! Còn nhớ có lần tôi qua hàng xóm kiếm được trái cam chua, về rón rén hỏi xin mẹ ít đường để pha nước cam, mẹ hét: uống nước cam pha đường coi chừng sinh lãi (giun sán)! Sinh lãi hay không có trời mới biết, nhưng tôi dám chắc một điều mẹ sợ… tốn đường! Cũng phải thôi, vì nhà đông người, có mỗi một thùng đường dành ăn cả năm lại còn giỗ chạp, tết nhất…, không tiết kiệm lỡ hết giữa chừng tiền đâu mua thêm.

 

Cái thùng đường để dành ấy ngoài việc giỗ chạp, tết nhất lấy làm bánh trái thì lâu lâu mẹ sẽ đem nấu chè bồi dưỡng cho cả nhà những khi trời nắng nóng hoặc vào mùa công việc nặng nhọc. Phần đường ngon nhất ráo khô trên mặt, mẹ nạy, xắn thành miếng nhỏ cất vô thẩu đậy kín dành cho ba tôi ăn cháo sáng trước lúc ra đồng. Lũ con lâu lâu thèm ngọt cũng được mẹ nhón, chia cho mỗi đứa một cục cầm ăn đỡ thèm. Đường đen không rời hạt như đường cát mà kết nguyên khối trong thùng; mỗi lần muốn ăn phải dùng dao hì hục xắn, nạy từng tảng rất khổ. Vậy nhưng chẳng nghe mẹ phàn nàn gì chuyện ấy. Mẹ kêu: Khó vậy mà bây còn ăn vụng được…

 

Thời gian khổ ăn toàn đường đen nên lũ nhỏ đứa nào cũng thèm đường cát. Tưởng tượng món gì nấu bằng đường cát cũng ngon. Con Út than: Bác Sáu nhà giàu, nấu chè đường cát trắng tinh, dòm rõ từng hột đậu, múi mít thấy bắt ngon. Còn nhà mình toàn nấu đường đen, chén chè đen thui, đố biết thứ gì ở trỏng. Mẹ nạt: Chè nấu đường đen mới ngon. Cứ nghĩ mẹ bảo thủ nên nói cứng. Vậy nhưng sau này lớn lên mới biết mẹ không hẳn sai khi cứ khăng khăng “chè nấu đường đen mới ngon”.

 

Không phải chè nào nấu đường đen cũng ngon, nhưng vài món chè quê xưa (bánh canh, chè nếp…), quả thật, nấu bằng đường đen ngon hơn đường cát. Chưa hết, các món như bánh bò, bánh ít hoặc vài món thạch cần trộn đường khi ăn như xu xoa, sâm nam… đều phải làm bằng đường đen hoặc ăn với nước si rô nấu từ đường đen mới lột tả được cái thần của món. Nhớ có lần vợ tôi đi chợ, mua về mấy cái bánh bò làm bằng đường cát. Nhìn qua đã không thu hút bởi bánh một màu trắng chạch, không vàng nâu quyến rũ như bánh bò làm từ đường đen truyền thống. Ăn lại càng chán do bánh chỉ thuần vị ngọt mà không thơm, cái mùi thơm rất đặc trưng của bánh bò được tạo nên bởi hương bột lên men lẩn vào trong hương mật của đường…

 

Giờ thì đường đen đã gần như trở thành… ký ức. Muốn mua đường đen phải tìm lên phố, vào siêu thị trung tâm nhưng chẳng còn mấy người mua...

 

Y NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về nghe mùi khói tháng Giêng
Chủ Nhật, 19/02/2023 15:42 CH
Bình an là điều quan trọng nhất
Chủ Nhật, 12/02/2023 15:00 CH
Bài học cánh đồng
Chủ Nhật, 12/02/2023 14:00 CH
Về quê – thơ HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Chủ Nhật, 12/02/2023 10:00 SA
Lập xuân – thơ NGUYỄN BÁ THUYẾT
Chủ Nhật, 12/02/2023 08:00 SA
Tháng Giêng - mùa rải hom, gieo hạt…
Chủ Nhật, 12/02/2023 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek