“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”
Ca dao nói vậy nhưng với bà con quê tôi, việc gieo hạt, rải hom cứ thuận theo thời tiết; cuối Chạp, khi nắng vàng hanh hảnh là việc trồng trỉa vụ mới lại bắt đầu. Nói chung mùa gieo hạt, rải hom cứ diễn ra song song với việc lo tết và chơi tết như lời ca dao.
Khi những cơn mưa cuối đông giảm dần, đất sau vườn hay ngoài bãi soi đã ráo, mấy túi hạt giống treo quanh gác bếp được lấy xuống, săm soi, định lượng để xới đất lên luống cho vừa. Hồi còn lẽo đẽo sau lưng cha, năm nào cũng thấy vậy!
Quê tôi mùa gieo hạt bây giờ vẫn những đôi bàn tay dịu dàng, tỉ mẩn như xưa nhưng chỉ dừng lại ở những khoảnh vườn nho nhỏ hay bãi bồi ven sông; còn lại, những vùng đất thổ thong thả tầm mắt, trải dài đến chân núi, ngày nay công việc cày xới, kéo hàng đã được vận hành bằng máy móc hiện đại.
Khi vào vụ, bà con rải hom đồng loạt với hai loại cây trồng chủ lực là mía và sắn. Sắn là cây trồng vừa phù hợp với thổ nhưỡng nơi này từ ngàn xưa (dân gian từng gọi tên Hòa Mỹ là xã sắn lùi), vừa đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn hiện nay. Trong câu chuyện xuân vui vẻ, các bác nông dân còn nói vui trồng sắn để làm xăng sinh học cho máy bay trên trời không có khói.
Với cây sắn thì năm nào cũng trồng mới, không phải một lần rải hom ba lần thu hoạch như cây mía nên khoảng thời gian trước và sau tết, năm nào bà con cũng tất bật công việc từ xới đất, chuẩn bị cây giống đến cắt hom rồi rải hom. Cũng có năm mới đầu tháng Chạp đã không còn những cơn mưa dai dẳng, hầu hết diện tích đất thổ đã ráo vừa cho việc rải hom cây sắn.
Dẫu biết rằng thổ với đất là một nhưng người quê tôi từ xa xưa quen kèm hai tiếng đất thổ để chỉ những đám cao, ít bằng phẳng, mưa không úng, giữ nước không dễ, chỉ phù hợp với việc trồng cây hoa màu như: sắn, mía, bắp, đỗ, mè... Ngoài ra, gọi đất thổ để dễ phân biệt với đất ruộng (hai vụ lúa).
Dọc theo tuyến đường bê tông gần song song với dãy núi Hòn Ông, Hòn Chảo từ Hòa Thịnh lên Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây nối với Sơn Thành những ngày sau tết, hai bên đường, những xóm nhà, hoa mai hoa cúc vẫn lung linh nhưng việc chuẩn bị hom cây sắn vẫn cứ diễn ra khẩn trương, nối tiếp nửa vụ gieo trồng từ cuối Chạp.
Bên hông nhà, từng bó cây sắn đứng chụm đầu hình nọc rơm, trong sân tiếng máy cắt rè rè cốc cốc đều đặn. Xưa kia cắt cây sắn bằng cưa tay hay dao, rựa, bây giờ bà con dùng máy cắt bằng động cơ điện, tiết kiệm thời gian và công sức gấp mươi lần. Sau ba ngày tết, bạn có dịp về thôn Mỹ Thành, Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ Tây) hay vòng xuống thôn Lạc Chỉ (xã Hòa Mỹ Đông), việc trồng sắn diễn ra càng sôi nổi hơn. Tiếng máy kéo rơ-moóc chở những bao hom boong boong trên đường, tiếng máy cày băm đất, kéo hàng vội vàng xới xáo làm dậy hương phù sa lơ lửng... Dọc theo luống cày hàng (hay gọi là kéo hàng), mấy chị em lẹ làng bưng thúng rải hom theo đường rãnh; dáng vẻ và trang phục lao động những ngày đầu năm cũng khang khác.
Đứng bên lề đường, đoạn trên cầu Bến Nhiễu chừng cây số, nhìn xa xa phía núi, những vạt đất cao hơn, những đám sắn đã rải hom từ trước tết giờ đã thẳng hàng, chồi non sáng xanh lấp lóa dưới nắng vàng. Khác với những loài cây cỏ khác, cây sắn non không như hình mũi tên đâm thẳng mà từng phiến lá mềm mại thả nghiêng xung quanh thân cây, như cánh dù hay những chiếc trại cá nhân thu nhỏ.
Ngắm khung cảnh rộn ràng mùa rải hom, gieo hạt, nhìn những mầm non tươi xanh, những bạn trẻ chơi tết muộn dừng xe, tạo dáng, check-in..., hình như cảnh sắc quê mình đang làm cho người ta khó cưỡng. Vui say nhìn cái mới và nhớ những ngày rải hom sau lưng cha với đôi bò chậm rãi - cũ và mới trong ký ức, trước tầm nhìn, bỗng nhiên trong tôi nảy mong ước một miền quê du lịch chạm vào mùa gieo hạt, rải hom...
Còn tôi, bao nhiêu cách thức rải hom, gieo hạt, vun trồng... từ trong ký ức cứ roi rói tươi xanh; có cả câu khẩu hiệu phía bảng tin bên lẫm làng gần 50 năm trước, khi tôi háo hức tập đánh vần:
“Vui xuân đừng quên sản xuất
Sản xuất nhiều xuân khác sẽ vui hơn”.
NGÔ TRỌNG CƯ