Tôi không nhớ mình đến chùa lần đầu vào năm bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ hồi ấy nhà nghèo, lễ mang đến chùa không có gì ngoài một thẻ hương và chút hoa quả cây trái vườn nhà. Khi thì chùm quả đầu mùa vừa ngọt vừa thơm, mẹ cẩn thận để trong chiếc làn nhựa cũ. Khi thì khoai sắn luộc lên vẫn còn nóng hổi, mẹ chọn bộ quần áo tươm tất nhất đi chùa. Có khi chỉ là đĩa hoa bưởi thơm ngào ngạt hoặc bó sen trắng vừa hái dưới đầm trước nhà. Lễ mọn lòng thành mẹ kính dâng Đức Phật. Tôi vẫn nhớnhư in lời mẹ dạy: “Đi vào chùa không hái hoa, bẻ cây, không lấy bất cứ thứ gì dù là hòn sỏi”. Khi ấy tôi còn làđứa trẻ ngây thơ, nhưng mỗi lần ngẩng lên nhìn tượng Phật đều thấy lòng bình yên khó tả.
Thời gian đưa tôi đi qua bao thăng trầm để ngày càng tha thiết sự yên tĩnh nơi cửa Phật. Nên tôi không có mặt ở chùa vào những ngày lễ lớn, đèn hoa rực rỡ, tiếng chuông chìm trong hỉ nộ nhân gian. Tôi cũng không có mặt trong dòng người đến chùa hái lộc đầu xuân vào khoảnh khắc giao thừa. Không còn là đứa trẻ lẽo đẽo theo mẹ đến chùa, háo hức sà xuống những mẹt hàng rong bán dài hai bên cổng. Mắt lấp lánh trước nhẫn, vòng, bông tai và bao món đồ chơi được gọi mời bằng những đồng lì xì còn giấu trong túi áo. Tôi bây giờ thèm tìm tới cổng chùa vào những ngày vắng vẻ, lắng tai nghe thấy tiếng rụng của lá bồ đề. Những bước chân thong dong trên từng bậc gạch đã phủ rêu phong. Bước càng lên cao càng thấy lòng nhẹ đi, tựa như những hỉ nộ ái ố đều đã bỏ lại sau mỗi bước chân. Tôi dâng nén hương, quỳ dưới chân Đức Phật, chỉ xin người hai chữ bình an.
Mẹ tôi - người đàn bà cả một đời lo toan vất vả, chưa bao giờ được một phút thảnh thơi. Mẹ đã cùng bố đi qua bao mùa đói kéo dài trên mảnh đất trung du “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Khi hạn hán kéo dài, mùa màng thất thu, những bữa cơm độn sắn con ăn là nước mắt mẹ chảy vòng quanh đêm tối. Cứ tưởng sau này khi không còn phải lo miếng ăn từng bữa thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng hóa ra có nhiều thứ còn đáng sợ hơn cái đói. Biết bao nhiêu cạm bẫy ngoài kia như chỉ chờ con nhẹ lòng là kéo vào vòng xoáy của lỗi lầm mù quáng. Mỗi lần trở về nhà, tôi thấy mẹ già đi, tóc bạc nhiều và nỗi lo hằn trên khuôn mặt. Sự trưởng thành của các con được đánh đổi bằng tháng ngày giông bão. Những lúc buồn đau nhất mẹ lại đến cửa chùa xin nương náu tâm hồn. Để buông được thứ gì cần buông, riêng thương yêu thì mẹ luôn bao dung nắm níu. Mẹ thành tâm cúng dường tam bảo hồi hướng công đức cho các con. Mẹ xin Đức Phật chở che, dẫn lối chỉ đường để những đứa con sớm thoát khỏi những u mê cõi trần. Tôi từng chứng kiến những lần mẹ đi chùa về, sự nhẹ nhõm hiện trên khuôn mặt vốn nhàu nhĩ lo toan. Lúc ấy tôi vẫn còn là đứa trẻ vô đạo, chưa hiểu gì về phật pháp nhưng tôi thầm biết ơn cánh cổng chùa làng…
Mẹ tôi quy y tam bảo đãmấy năm. Mẹ đã nhận ra có nhiều thứ buông bỏ hóa ra là giải pháp tốt nhất. Tôi đi lấy chồng ít còn dịp theo chân mẹ đi chùa như trước nữa. Nhưng dù ở bất cứ đâu, mỗi khi bước tới cổng chùa, tôi đều thấy được gần bên mẹ. Chọn một góc tĩnh lặng tôi ngồi nghe tiếng chuông chùa ngân lên trong tâm thức. Buông bỏ sân hận, buồn đau năm cũ, thứ tha cho lỗi lầm của ta của người để chỉ nghĩ đến những phút giây hiện tại. Có gì quan trọng hơn hơi thở mình vẫn đang ấm áp, có một ngôi nhà đầy ắp tiếng yêu thương chờ mình về. Bởi một năm dịch bệnh trôi qua với quá nhiều mất mát, ngoài kia có biết bao gia đình đã không thể đoàn viên. Những biến cố thăng trầm giúp con người ta nhận ra bình an là điều quan trọng nhất chứ không phải là tiền bạc hay danh vọng.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG