Nhà tôi nằm trên rẻo đất miền Trung, núi nhiều, sông nhiều, quanh năm nắng gió và nhiều cơn bão lũ. Nhưng tôi thực sự kiêu hãnh vì được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ, nằm gần núi Chai, kề sông Bàn Thạch. Cuộc sống của chị em tôi bình an dù nhiều lần thót tim vì đụng mặt thiên tai.
Minh họa: P.V |
Mẹ là “vị thần” sức mạnh của gia đình tôi. Nhà chỉ có mấy sào ruộng nhưng một tay mẹ “nuôi đủ năm con với một chồng”. Ba tôi dù không phải cả đời lận đận đường thi cử để rồi phải làm quan nhà, lĩnh lương vợ như cụ Tú nhưng vì một lý do tế nhị, ông đã không thể là trụ cột gia đình. Sức nặng của cái “trụ” ấy đương nhiên chuyển sang mẹ, vậy là gần như mọi chuyện trong gia đình, một tay mẹ phải cáng đáng, chống chèo.
Phải chứng kiến một người phụ nữ, vừa lo che chắn cho con, vừa lo bảo vệ nồi cơm của gia đình trong cơn bão lũ, mới thấy mẹ có một sức mạnh lạ lùng, sức mạnh ấy ngôn từ tôi cũng đành bất lực. Tôi chỉ có thể khẳng định nó là sự thăng hoa của sức mạnh tình thương và trách nhiệm. Sức mạnh ấy dám đối đầu với sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên.
Trong lúc miền Trung đang gồng mình với bão lũ. Khi những ngôi nhà bị nước nhấn chìm, tôi nghĩ ngay đến những người mẹ sẵn sàng đội mưa đội gió, để bảo vệ đàn con nhỏ. Tôi nghĩ như vậy vì tôi đã chứng kiến cảnh mẹ mình lăn lộn trong bão lũ như thế nào để bảo bọc bầy con. Và tôi còn tin, trái tim của người mẹ nào cũng là một kiệt tác.
Tôi nhớ một đêm mưa, khi mấy chị em đang say ngủ thì thảng thốt giật mình vì tiếng mẹ kêu, tay mẹ lay: “Dậy mau, nước tràn vô nhà mạnh quá!”. Chị em tôi dậy thì chỉ còn phụ mẹ đưa lúa lên trần nhà. Mẹ đã không ngủ mà lo thu xếp, kê cao đồ đạc, xúc lúa trong bồ đổ đầy các bao. Khi nước lên tới bắp đùi, tới hông rồi tới cổ…, mẹ vội lệnh cả nhà phải tháo chạy ra xóm ngoài, phía bên kia mương từ xưa tới giờ chưa bao giờ bị ngập nước. Vậy là mẹ cầm tay anh chị dìu đi trong nước, tôi thì đu lên vai, bé Út ngồi hẳn lên cổ mẹ. Đi được một quãng, tôi sực nhớ con bê mới sinh nên lo lắng hỏi, mẹ bảo từ đầu hôm đã lùa mấy con bò đi gửi chỗ an toàn.
Rồi tiếp một chiều đông, trời ngưng gió, màu mây có vẻ trong hơn chứ không đen đục nặng nề như mọi hôm. Mẹ bảo chuẩn bị có bão lớn rồi. Khổ nỗi, ba lại vắng nhà. Lo cơm chiều xong, mẹ loay hoay đậy đệm, buột chằng cửa nẻo. Vẫn chưa xong, mẹ ra sau chuồng bò, kéo từng cục cát đè lên mái tôn. Chất rơm đầy máng, rồi kéo nhựa bịt kín chuồng lại. Lúc mẹ vào nhà thì gió bắt đầu thổi mạnh, ù ù ào ào, tiếng gió rít, đất trời như rung chuyển. Hỡi ôi, Thủy Tinh hô mưa gọi gió, mưa rất dữ, gió rất ác. Những miếng ngói bị hất tung, vỡ dưới đất. Mẹ quấn chặt mền, đẩy chị em tôi xuống gầm giường, rồi kéo cái nong lớn chất đầy quần áo, bỏ lên trên. Mẹ đội cái thúng quần áo trên đầu rồi dặn các con nằm im trong ấy, ngoài này đã có mẹ lo.
Mấy chị em sợ hãi, co đầu rụt cổ, miệng ơi ới kêu nhưng không thấy tiếng mẹ đáp. Mẹ đâu rồi, con Út sợ quá, mếu máo khóc òa. Tôi nằm nín thở, mẹ tôi đâu giữa trời giông gió?
Bão tạnh.
Chị em lọ mọ chui ra tìm mẹ. Trời ơi, mẹ đang tái xanh tái xám đứng ngoài chuồng bò. Sự là gió lớn, cây xoài bên nhà hàng xóm đổ ào lên mái tôn, bò tung chuồng chạy trong bão. Tài sản gia đình tôi là 3 móng bò cái, từ cưới hỏi ma chay đến việc ăn, học, bệnh đau… mọi thứ đều trông chừng vào đó. Bão rượt bò chạy, mẹ tôi đua với bão, chạy theo “dụ” mấy con bò về chuồng.
* * *
Bão tan, đàn con bình an, gia sản nhà nghèo có thiệt hại chút đỉnh, còn mẹ thì… đổ nhào.
BÍCH NHÀN