Ngày 21/6, tại TP Tuy Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ đại dương.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văm Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc cùng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT; Sở NN-PTNT, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hiệp hội Nghề cá, một số doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ đại dương và đại diện ngư dân 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện 9 tỉnh, thành phố nêu trên có khoảng 3.460 tàu khai thác cá ngừ đại dương. Tổng sản lượng khai thác cá ngừ của năm 2012 trên phạm vi cả nước khoảng 66.560 tấn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, giá cá ngừ đại dương giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 120.000 đồng/kg; giá cá câu tay kết hợp đèn cao áp chỉ còn khoảng 45.000 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ cá ngừ gặp nhiều khó khăn, nhất là cá ngừ câu tay kết hợp đèn cao áp có chất lượng kém… Riêng các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trong 5 tháng đầu năm 2013 khai thác được khoảng 10.500 tấn cá ngừ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị cấm hoặc hạn chế phát triển nghề câu tay kết hợp đèn cao áp; cần bảo vệ uy tín và thương hiệu cá ngừ đại dương của Việt Nam trên thị trường thế giới; có chính sách khuyến khích phát triển, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác cá ngừ; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ trên biển và trên bờ, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu…
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văm Tám nhấn mạnh: Nghề câu cá ngừ đại dương bằng tay kết hợp đèn cao áp là nghề mới. Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, đến nay chưa đủ cơ sở để kết luận nghề này làm tổn hại đến nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, nghề câu tay kết hợp đèn cao áp có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cá ngừ đánh bắt được. Vì đây là nghề mới, chưa có trong danh mục các nghề khai thác thủy sản nên có thể không cấp giấy phép để hoạt động. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu sớm có kết luận về việc duy trì hay nghiêm cấm nghề khai thác này. Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan và các sở NN-PTNT các tỉnh tăng cường hướng dẫn kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cho người dân, để cá ngừ sau khi khai thác đạt chất lượng cao hơn. Ngoài ra, cũng cần tăng cường sự liên kết giữa các tàu khai thác, các tổ đội sản suất và liên kết giữa các doanh nghiệp với ngư dân để hoạt động sản xuất phát triển bền vững…
ANH NGỌC