Những ngày này, nông dân trong tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc lúa hè thu bị ngập úng, đồng thời gieo sạ lại những diện tích bị hư nặng do đợt mưa vừa qua. Thế nhưng, việc gieo sạ lại gặp nhiều khó khăn do thiếu lúa giống.
Nông dân phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) bơm nước, gieo sạ lại lúa hè thu bị ngập úng - Ảnh: H.NAM
BƠM NƯỚC, RỬA BÙN CỨU LÚA
Bà Nguyễn Thị Mơ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh) cho biết: “Đối với lúa ngập úng, sau khi nước rút, nông dân không nên bón phân đạm, tăng cường bón lân, kali cho cây lúa chắc khỏe, đồng thời theo dõi tình hình sâu bệnh để tập trung phòng trừ”.
Do ảnh hưởng mưa kéo dài nhiều ngày qua, nên đến sáng 19/6, các chân ruộng của cánh đồng Rọc Đăng, Cầu Sạp (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) vẫn còn ngập nước. Phường Phú Lâm có hơn 500ha lúa hè thu mới gieo sạ bị ngập úng. Những ngày qua, nông dân tập trung nạo vét kênh mương, khai thông dòng nước chống úng cho lúa; chỉ giữ nước trong ruộng ở mức độ vừa phải để lúa không ngã rạp sát chân ruộng, rửa bùn non để lá lúa quang hợp tốt với ánh sáng và phát triển.
Cũng do ảnh hưởng của mưa lớn, các cánh đồng ở TP Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, lúa hè thu phát triển không đồng đều, trên một cánh đồng có nơi lúa xanh tươi, có nơi vừa gieo sạ. Tại cánh đồng phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), bà Nguyễn Thị Trang đang thuê người làm đất để sạ lại 3 sào ruộng, cho biết: “Tôi sạ lần đầu, nhưng đã hai lần ủ giống. Đợt một, khi vừa ủ giống xong thì trời mưa, ruộng ngập nước, không thể gieo sạ, dẫn đến giống hư. Bây giờ nước trong ruộng đang rút dần, tôi tiếp tục ủ giống để gieo sạ, dù đã trễ lịch thời vụ”. Cạnh đó, ông Bốn Linh cũng đang bừa kéo láng, sạ lúa, nói: “Ruộng trũng nên tôi phải thuê máy bơm hút hết nước, sau đó mới sạ. Xung quanh ai cũng sạ, tôi cũng sạ theo, chứ rất lo vì trời vẫn còn mưa giông vào buổi chiều”.
Còn tại xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) có đến 300ha trong số 394ha lúa hè thu vừa gieo sạ bị ngập nước. Lúa vừa ra lá non bị bùn bám, ngả màu đen thẫm. Trong khi đó, các cánh đồng ở thôn Lưới Gõ, Hiệp Đồng (xã Hòa Xuân Đông), cánh đồng Rọc Lát, Bàu Hạ (xã Hòa Vinh) và các cánh đồng của xã Hòa Xuân Tây, nhiều diện tích lúa bị ngã rạp, trong đó xã Hòa Xuân Đông có 400ha, Hòa Vinh có 300ha, nông dân phải bơm nước, rửa bùn, bón phân để cây lúa phát triển.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa giông, nước tràn bờ bao vào các kênh mương, xuống ruộng, khiến việc bơm nước chống úng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Nhu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Xuân Tây 2 cho biết: Hợp tác xã có 50ha lúa ngập úng. Do bị ngâm nhiều ngày trong nước, nhiều diện tích lúa hư đến 60%. Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Đông Hòa, toàn huyện có đến 1.654ha lúa hè thu bị ngập úng. Thiệt hại nặng nhất là các xã Hòa Xuân Đông, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung.
Trong khi đó, tại các cánh đồng ở xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) dù nước rút cạn trong ruộng, nhưng trà lúa từ 7 đến 10 ngày tuổi, cây lúa gầy gộc. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho hay, toàn huyện có hơn 1.000ha lúa hè thu bị ngập do đợt mưa vừa qua. Sau khi nước rút, huyện vận động nông dân tập trung chăm sóc lúa. Nơi nào ngập úng nặng, lúa chết nhiều thì tiến hành gieo sạ lại cho kịp thời vụ, còn nơi nào lúa chết ít thì tập trung bón phân, phòng trừ sâu bệnh”.
THIẾU LÚA GIỐNG SẠ LẠI
Theo Sở NN-PTNT, sau khi nước rút, đơn vị yêu cầu các địa phương phải tập trung chăm sóc lúa thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giúp cây lúa tăng trưởng bình thường trở lại. Đối với ruộng sạ muộn, nông dân nên gieo sạ lại các giống lúa ngắn ngày để tránh gặp lũ cuối vụ. Tuy nhiên, hiện nhiều nơi, nông dân thiếu lúa giống ngắn ngày để sạ lại.
Chỉ tính riêng huyện Đông Hòa đã có hơn 400ha lúa hè thu chưa gieo sạ, trong đó có tình trạng khan hiếm lúa giống. Bà Nguyễn Thị Như ở xã Hòa Thành giãi bày: “Giống lúa ngắn ngày đã gieo sạ và hư hết rồi. Bây giờ không còn giống để gieo sạ lại, nên gia đình phải sạ lúa có thời gian sinh trưởng 3 tháng, dù biết nguy cơ gặp lũ lụt ở cuối mùa là rất cao”.
Tại huyện Phú Hòa, nông dân cần các loại giống lúa ngắn ngày để gieo sạ hơn 200ha trong vụ hè thu này, nhưng không tìm đâu ra giống. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy ở xã Hòa An, sạ lại 5 sào lúa bị hư, chỉ tính riêng tiền lúa giống đã gần 400.000 đồng. Trước đó, chi phí cả cày, bừa, lúa giống sạ lần đầu đến 800.000 đồng. “Bây giờ phải lấy lúa thịt mà làm giống, chứ tìm đâu ra lúa giống ngắn ngày mà sạ”, bà Thúy nói.
MẠNH HOÀI NAM
Theo Sở NN-PTNT, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.530ha lúa hè thu phải gieo sạ lại, tập trung ở các huyện Phú Hòa 700ha, TP Tuy Hòa 283ha, huyện Đông Hòa 548ha. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện nay sở đã chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn cho bà con tập trung gieo sạ lại ở những diện tích đã rút nước, ưu tiên sử dụng bộ giống lúa ngắn ngày như ML213, ML48, ML68, ML216… để kịp thời vụ.
T.HƯƠNG