Chủ Nhật, 06/10/2024 07:22 SA
Hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng rất thấp
Thứ Năm, 13/06/2013 08:16 SA

Theo Cục Đăng ký thống kê thuộc Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ TN-MT), đến tháng 9/2011, tổng số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) đã cấp cho các chủ rừng hơn 2.629.000 giấy. Tổng diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp GCN quyền sử dụng đất hơn 10.371.000ha, chiếm 63,86% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp (16,24 triệu ha).

 

Số liệu của Cục Kiểm lâm, Tổng Cục lâm nghiệp cho thấy, tính đến năm 2011, tổng diện tích rừng đã giao là 11,4 triệu ha, chiếm 84,4% diện tích rừng toàn quốc và chiếm 70,3% so với tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng chưa giao đang do UBND xã quản lý là 2,1 triệu ha, chiếm 15,6%. Tuy nhiên, quá trình giao đất lâm nghiệp và cấp GCN quyền sử dụng đất bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc; công tác quy hoạch, sử dụng đất lâm nghiệp chưa sát với thực tế, chậm điều chỉnh và thường xuyên bị phá vỡ quy hoạch; việc xác định ranh giới các khu rừng phòng hộ, đặc dụng chưa rõ ràng, gây khó khăn và làm chậm tiến độ giao đất lâm nghiệp; giao đất lâm nghiệp chưa gắn với các chính sách cụ thể về cơ chế hưởng lợi, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật... Do đó, tỉ lệ đất lâm nghiệp được giao đưa vào sử dụng chỉ đạt từ 20-30%.

 

Nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp GCN quyền sử dụng đất chưa gắn kết với công tác giao rừng và các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm. Vì vậy, hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng còn rất thấp, tài nguyên rừng bị suy giảm và đời sống của người dân không được cải thiện nhiều. Tiến sĩ Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để quản lý và bảo vệ rừng, cần thiết phải để rừng có chủ thực sự. Để thu hút sự tham gia bảo vệ rừng của người dân địa phương, các chủ thể quyền lực của nhà nước đã xây dựng nhiều quy chế, nhưng không đưa ra được thể chế về quyền tài sản để thúc đẩy việc thực hiện quy chế.

 

Đề cập tới nội dung tiếp cận quản lý sử dụng đất rừng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tiến sĩ Phạm Quang Tú, Viện phó Viện Tư vấn và Phát triển (CODE) cho biết, rừng và đất rừng là không gian sinh tồn gắn với truyền thống văn hóa xã hội và là nguồn lực tự nhiên rất quan trọng để duy trì sinh kế của cộng đồng các DTTS miền núi. Tuy nhiên, bình quân đất có rừng ở Việt Nam hiện nay xếp vào loại thấp của thế giới, chỉ đạt 0,14ha/người (bình quân thế giới 0,97ha/người); trữ lượng gỗ bình quân của Việt Nam là 9,8m3 gỗ/người, trong khi đó chỉ tiêu này của thế giới là75m3 gỗ/người. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 14% dân số và định cư ở khu vực đất đai rộng lớn, nhưng đồng bào DTTS đang ngày càng trở thành đối tượng chính của nghèo đói. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo đói cao ở vùng đồng bào DTTS miền núi là vấn đề thiếu đất sản xuất, đặc biệt là đất rừng - nguồn lực tự nhiên gắn liền với sinh kế, văn hóa xã hội mang tính đặc thù của vùng miền núi. Cũng theo ông Phạm Quang Tú, thực tế việc triển khai thực hiện các chính sách khắc phục tình trạng thiếu đất chưa đạt được mục tiêu mong đợi, đặc biệt đối với hỗ trợ đất sản xuất.

 

Sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đến năm 2012 vẫn còn khoảng 347,5 nghìn hộ DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất; trong đó còn gần 294 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, đặc biệt là có hơn 23 nghìn hộ không có đất sản xuất. Như vậy số hộ thiếu đất sản xuất vẫn không giảm và có chiều hướng ngày càng gia tăng và gần bằng số hộ cần hỗ trợ của giai đoạn khởi đầu của Chương trình 134 (vào năm 2002-2003 khoảng 421.000 hộ). Do đó, để đảm bảo cho hộ gia đình, cộng đồng miền núi xóa đói giảm nghèo hiệu quả tiến tới ổn định sinh kế và cuộc sống, các cấp các ngành và địa phương cần quan tâm xem xét, tạo điều kiện giao đất rừng cho hộ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là đối với các hộ dân/cộng đồng đang sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không có hoặc có rất ít đất rừng sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời coi đất rừng là nguồn lực sinh kế cơ bản trong các dự án, phương án hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS miền núi.

 

PHƯƠNG NAM (tổng hợp từ ĐCS)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek