Hiện người tiêu dùng rất ngại và cảnh giác trước các mặt hàng rau, củ, quả của Trung Quốc vì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thay vào đó, nhiều người tiêu dùng chọn những sản phẩm trong nước.
Rau, quả sản xuất tại địa phương được người dân lựa chọn. Trong ảnh: Một hàng bán rau, củ, quả tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: K.ANH
Hiện mặt hàng rau, củ, quả trên thị trường khá phong phú, đủ các chủng loại. Tại các chợ ở Phú Yên, ngoài rau, củ được trồng tại địa phương thì vẫn có một số mặt hàng từ các tỉnh khác như Lâm Đồng đưa xuống, Hà Nội chuyển về. Ngoài ra còn có hàng nhập khẩu từ nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc… Bà Phan Thị Hoa, tiểu thương hàng củ, quả chợ Tuy Hòa cho biết: “Tại sạp của tôi có cả hàng nội lẫn hàng ngoại, trong đó hàng ngoại chủ yếu là hàng Trung Quốc. Nhưng hàng Trung Quốc cũng không nhiều vì ít người mua. Trước kia, loại hàng này được bán sỉ cho các tiểu thương ở chợ huyện, xã; còn nay thì họ ít lấy hơn vì bán không chạy. Nhiều người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn nguồn hàng này”. Chị Nguyễn Kim Lê, tiểu thương chợ Đông Bình (Phú Hòa) thì cho hay: “Dường như người dân đã quay lưng với hàng Trung Quốc. Mọi người cho rằng củ, quả của Trung Quốc có giống tốt, màu sắc tươi… nhưng dễ bị nhiễm thuốc kích thích phát triển và bảo quản, gây hại sức khỏe nên không mua. Bây giờ người tiêu dùng chỉ chọn các loại rau, củ quen thuộc như mướp, bí, cà, bầu, bí, đu đủ… được trồng tại địa phương”.
Từ đầu năm đến nay, thông tin một số hàng rau, củ, quả của Trung Quốc nhiễm chất độc hại được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, như việc gừng Trung Quốc có chứa Aldicarb (1 trong những loại thuốc trừ sâu cực độc), các sản phẩm miếng rong xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất độc hại… làm mọi người lo ngại, cảnh giác. Chị Lâm Thị Hồng Phú ở thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị (Phú Hòa) cho biết: “Đi đến đâu tôi cũng nghe nói hàng Trung Quốc độc hại. Vì vậy, nếu mua hàng không bảo đảm chất lượng thì ảnh hưởng đến sức khỏe, có khi còn xảy ra những thiệt hại khó lường khác. Vì vậy, tôi chỉ mua hàng sản xuất địa phương”. Còn chị Huỳnh Thị Hoàng Phương ở phường 4 (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Người tiêu dùng chúng tôi nhiều lúc không phân biệt hàng nào là hàng nội hay ngoại, tốt hay không tốt; chỉ tin theo lời của người bán. Khi chúng tôi hỏi người bán thì họ đều trả lời tất cả là hàng nội, nhập từ TP Hồ Chí Minh, hay các tỉnh miền Tây… nhưng thực tế hàng nhập từ Trung Quốc vẫn có mặt ở các chợ”.
Theo chị Trần Thị Chi, tiểu thương chợ Tuy Hòa thì phần lớn rau, củ, quả nội, nhất là các sản phẩm của địa phương chiếm hơn 70% thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao về độ an toàn. Bà Phạm Thị Mười ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) cho hay: “Các năm trước, gia đình tôi trồng gần 1,5 sào rau, củ, mỗi ngày cung cấp cho các chợ khoảng 50kg củ, quả các loại. Năm nay, gia đình tôi trồng nhiều hơn và bán hơn 80kg/ngày”.
Hiện hành tím của Trung Quốc có giá 22.000 đồng/kg, thấp hơn hành tím trong nước 4.000 đồng; cà rốt Đà Lạt khoảng 17.000 đồng/kg, trong khi cà rốt Trung Quốc chỉ 12.000 đồng/kg; nấm đông cô của Việt Nam 280.000 đồng/kg, trong khi nấm đông cô của Trung Quốc chỉ 225.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, dù hàng Trung Quốc có giá thấp hơn hàng sản xuất trong nước, nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua hàng trong nước, vì độ tin cậy cao.
Ông Cao Văn Tấn, phân phối hàng rau, củ, quả tại chợ Tuy Hòa cho biết: “Từ năm 2012 trở về trước, giá của loại rau, củ, quả tăng, giảm tùy theo mùa, nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, giá tương đối ổn định, thậm chí còn giảm”.
KHANG ANH