Thứ Bảy, 05/10/2024 00:16 SA
Làng nghề thúng chai lâm cảnh “chợ chiều”
Thứ Bảy, 08/06/2013 14:00 CH

Trái ngược với cảnh nhộn nhịp trong những ngày cuối năm 2012 khi thuyền thúng (thúng chai) do người dân thôn Phú Mỹ, xã An Dân (Tuy An) làm ra được xuất sang Thụy Sĩ, hiện làng nghề này đang trong cảnh vắng khách, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

 

thung-chai1130608.jpg

Vì không tiêu thụ được, người dân phải mang thuyền thúng chất đống trên đường - Ảnh: T.HƯƠNG

ĐỐI TÁC BIỆT TĂM

 

Cuối năm 2012, người dân thôn Phú Mỹ nhận được đơn đặt hàng thúng chai đầu tiên xuất sang Thụy Sĩ cung cấp cho các điểm du lịch, với số lượng 200 chiếc, đủ các kích cỡ, giá từ 1 đến hơn 2 triệu đồng/chiếc. Bà con làng nghề ai cũng phấn khởi, xem đây là cơ hội mới để làng nghề phát triển. Nhiều gia đình hồ hởi đầu tư vốn mua nguyên vật liệu, mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm hợp đồng xuất thúng chai sang Thùy Sĩ được ký kết, đến nay, lô hàng đầu tiên vẫn đang phủ bạt và phơi mưa nắng tại các gia đình ở thôn Phú Mỹ. Bà Trương Thị Mỹ Kiều, người trực tiếp ký hợp đồng với bà Nguyễn Kim Thoa ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) vào tháng 8/2012 để xuất 200 thúng chai sang Thụy Sĩ, cho biết: Sau khi ký kết hợp đồng cung cấp thúng chai xuất khẩu, chúng tôi được đối tác đặt cọc trước 25% giá trị hợp đồng. Chỉ khoảng 2 tháng sau chúng tôi đã hoàn tất đủ số thuyền thúng đúng theo yêu cầu của đối tác. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có người đến nhận và chưa biết bao giờ mới được xuất bán. Cũng theo bà Kiều, hiện gia đình bà gặp nhiều khó khăn trong việc trông coi, bảo quản số thúng chai này, thỉnh thoảng phải mang ra sơn dầu, hong nắng... Bởi vì, thúng chai sau khi làm ra, nếu sử dụng đúng cách có thể dùng được 5 năm, còn nếu úp chồng lên và phơi mưa nắng thế này thì dễ bị hư hỏng do mối mọt ăn. “Nếu trước mùa mưa năm nay số thúng chai này không được xuất bán, nếu xảy ra mưa lũ lớn sẽ bị nước cuốn trôi”, bà Kiều lo lắng.

 

Bà Đoàn Thị Mỹ Hạnh ở thôn Phú Mỹ buồn rầu nói: “Bao nhiêu hy vọng về việc mở rộng thị trường cho làng nghề thúng chai Phú Mỹ đã bị tắt. Bây giờ chúng tôi rất e ngại việc đặt hàng như thế này”. Bà Hạnh cho biết thêm, vừa rồi bà cũng nhận được điện thoại của một người ở TP Hồ Chí Minh hỏi đặt hàng. Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp tất cả các số liệu của thúng chai như số nan đan thúng, chiều rộng của thúng, mẫu dầu trét thúng… và còn yêu cầu gửi cho họ 2 chiếc thúng mẫu để kiểm tra… Chúng tôi đã đáp ứng tất cả yêu cầu, nhưng sau khi họ đặt cọc 2 triệu đồng đến nay vẫn chưa thấy trả lời.

 

LÀNG NGHỀ GẶP KHÓ

 

Đến làng nghề thúng chai Phú Mỹ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh nhiều chồng thúng được úp lên nhau, phủ bạt nằm phơi nắng, nhà nào cũng có thúng đang chờ bán. Bà Đoàn Thị Mỹ Hạnh có hơn 20 năm làm nghề thúng chai cho hay: Từ đầu năm đến nay, gần như thị trường tiêu thụ thúng chai bị “đóng băng”, thi thoảng chúng tôi mới bán được một vài chiếc thúng nhỏ cho các gia đình làm nghề chài, chấn ở các địa phương trong tỉnh, không bán được chiếc thúng nào cho khách ngoài tỉnh. Hiện hàng trăm chiếc thúng do gia đình tôi làm ra phải trùm bạt để hạn chế hư hỏng.

 

Hầu hết sản phẩm thúng chai ở Phú Mỹ phục vụ nhu cầu khai thác thủy sản, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các làng biển trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa. Theo những người dân ở Phú Mỹ, thời gian gần đây nhu cầu mua thúng chai của ngư dân không nhiều. Hiện nghề câu cá ngừ đại dương đang gặp khó khăn, nhiều tàu nằm bờ nên việc tiêu thụ thúng chai cũng bị ảnh hưởng theo. Còn bà Trương Thị Mỹ Kiều, cho biết hầu hết các sản phẩm thuyền thúng do bà con ở đây làm ra đều bán cho các chủ tàu câu cá ngừ. Thông thường mỗi năm, khi vào mùa biển, mỗi tàu mua thêm từ 4 đến 7 thúng chai để phục vụ cho việc câu mực. Vì vậy, người làng nghề thúng chai Phú Mỹ chúng tôi phải chủ động làm trước để khi khách yêu cầu là mình có sẵn hàng để cung cấp kịp thời. Còn bây giờ, tàu nằm bờ thì thúng chai cũng không thể tiêu thụ được. Vốn đầu tư làm ra chiếc thúng bị “chôn” dài ngày, trong khi thúng lại có nguy cơ bị hỏng.

 

BỎ NGHỀ ĐI LÀM THUÊ

 

Ở thôn Phú Mỹ có khoảng 45 hộ làm nghề đan thúng chai, với khoảng 100 lao động. Từ đầu năm đến nay, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, phải đi nơi khác làm thuê để kiếm sống. Ông Mai Văn Tạo cho hay: “Gia đình tôi làm thúng chai hơn chục năm nay. Trước đây, với 6 lao động, mỗi ngày có thể làm ra 3 chiếc thúng, thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, do tiêu thụ không được, mấy chục chiếc thúng phải cất tạm sau hiên nhà. Tôi phải chuyển sang đi mua cây keo lá tràm để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình”. Không có vốn để chuyển nghề như ông Tạo, nhiều gia đình ở thôn Phú Mỹ phải đi làm thuê đủ các nghề để kiếm sống. Ông Nguyễn Thái Bảy cho biết, trước đây gia đình ông chuyên lận thúng chai cho bà Hạnh. Từ khi thúng không bán được, ông không có việc làm, đi chặt keo thuê.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Lý, Phó chủ tịch UBND xã An Dân, vào thời điểm thúng chai của địa phương được xuất bán sang Thái Lan, người dân ở đây đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Không riêng gì người dân thôn Phú Mỹ, nhiều người ở thôn An Thổ, Bình Chính cũng tham gia đan thúng chai cung cấp cho các cơ sở. Hiện nay, vì thúng khó tiêu thụ nên nhiều hộ phải chuyển sang làm các nghề khác. Để nghề đan thúng chai của xã phát triển bền vững, rất cần được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, đặc biệt là tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 

T.TIÊN-N.CHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek