Tình trạng lấn chiếm, xả thải, sử dụng bờ kênh, lòng kênh và hành lang bảo vệ an toàn của hệ thống kênh mương thủy nông Đồng Cam diễn ra khá phức tạp từ nhiều năm nay. Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam), đơn vị quản lý, khai thác công trình này đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Một trường hợp vi phạm lấn chiếm đúc cầu bê tông bắc qua kênh Rộc Đăng thuộc phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) - Ảnh: T.HƯƠNG
Theo Công ty Đồng Cam, hệ thống kênh mương thủy nông Đồng Cam có tổng chiều dài khoảng 200km. Trên toàn hệ thống có khoảng 800 cống tưới các loại, dẫn nước về các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa. Hệ thống kênh tưới thủy nông Đồng Cam có nhiệm vụ phục vụ nước cho hơn 15.000 ha lúa 2 vụ, đồng thời còn có nhiệm vụ tiêu nước, chống ngập úng cho nhiều xứ đồng và các khu dân cư. Ông Huỳnh Dục, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Đồng Cam cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cánh đồng lúa, mỗi năm công ty phải đầu tư hàng chục tỉ đồng cải tạo, nạo vét, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho đồng ruộng.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm, xả thải, sử dụng bờ kênh, lòng kênh và hành lang bảo vệ an toàn của hệ thống kênh mương thủy nông Đồng Cam diễn ra khá phức tạp từ nhiều năm nay và đang là nỗi lo của đơn vị quản lý. Theo thống kê của Công ty Đồng Cam, trên toàn hệ thống kênh tưới Đồng Cam hiện có hơn 800 trường hợp vi phạm lấn chiếm bờ, lòng kênh và hành lang bảo vệ an toàn của kênh với nhiều hình thức vi phạm như: Lấn chiếm bờ kênh xây dựng tường rào, sân vườn, đặt ống buy bê tông xuống lòng kênh để lấn đất làm nhà, trồng cây các loại, bắc cầu qua kênh... Ông Lê Văn Thân, Trưởng Trạm thủy nông kênh nam Đồng Cam cho biết: Hệ thống kênh nam có nhiệm vụ cấp nước tưới và tiêu úng cho các cánh đồng huyện Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa. Hiện hầu hết các tuyến kênh đều bị lấn chiếm, tập trung trên tuyến kênh tiêu Rộc Đăng, kênh N1, N2, N6 và nhiều tuyến kênh nhánh. Theo ông Thân, một khi các kênh tiêu bị lấn chiếm, trưng dụng sẽ làm cho lòng kênh bị bồi lắng, dòng chảy bị thu hẹp dẫn đến khả năng tưới tiêu bị hạn chế nên dễ gây ra hạn hán vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Khi người dân chiếm dụng các tuyến kênh để xây tường rào, bắc cầu, dựng chái hiên… gây khó khăn cho đơn vị khi triển khai tu sửa, nạo vét, cải tạo kênh mương. Ngoài ra, hệ thống kênh mương thủy nông Đồng Cam đang phải gánh chịu một lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân nông thôn xả trực tiếp ra kênh. Ông Đoàn Văn Thọ, Trưởng Trạm thủy nông kênh bắc cho biết: Hệ thống kênh bắc dài khoảng 100km, chạy qua nhiều khu dân cư thuộc các huyện Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa. Hiện nay, hầu hết các tuyến kênh đều phải gánh chịu một lượng lớn rác thải trong sinh hoạt và sản xuất do người dân ở các khu vực có kênh tiêu đi qua xả thải ra. Trạm đã lập rất nhiều biên bản vi phạm và yêu cầu địa phương xử lý theo quy định, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. Vào thời điểm mở nước phục vụ tưới, công nhân của trạm phải thường xuyên trực tại các xi phong để thu gom rác thải tấp vào, bình quân 2 lần/ngày mới có thể đảm bảo dòng chảy không bị nghẹt do rác.
Mọi vấn đề về việc xây dựng thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn hệ thống phải được phép của Công ty Đồng Cam. Còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi lại thuộc về chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm hoặc thanh tra chuyên ngành. Theo ông Huỳnh Dục, khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong bảo vệ hành lang an toàn của công trình thủy lợi Đồng Cam là do chưa có sự phối hợp, vào cuộc từ chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm. Từ trước đến nay đã có rất nhiều trường hợp khi công ty phát hiện, lập biên bản, trình cho chính quyền địa phương đề nghị xử lý, tháo dỡ, nhưng vì một số lý do nào đó các địa phương không xử lý, hoặc xử lý không kịp thời, không đủ sức răn đe nên người dân vẫn tiếp tục vi phạm và ngang nhiên lấn chiếm, trưng dụng bờ kênh. Mỗi năm đều có thêm những trường hợp vi phạm mới.
Ông Vương Tấn An, Phó giám đốc Công ty Đồng Cam cho biết: Để có được hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn cho hệ thống kênh thủy nông Đồng Cam, đảm bảo dòng chảy phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, đơn vị rất cần có sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền cơ sở trong xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài việc tăng cường kiểm tra xử phạt các trường hợp vi phạm mới, cần có những biện pháp giải tỏa, xử lý dứt điểm các vi phạm cũ, bởi nếu những vi phạm cũ dây dưa chưa được giải quyết sẽ là tiền lệ xấu để các vi phạm mới tiếp tục phát sinh. Đồng thời, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để bảo vệ hệ thống tưới tiêu lớn nhất của tỉnh.
TUYẾT HƯƠNG - ANH NGỌC