Thời gian qua, mặc dù các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã tích cực giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn nhưng tỉ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn âm. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên Nguyễn Ngọc Khố cho biết:
Mặc dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn nhưng tín dụng vẫn chưa được khơi thông. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người đi vay và đảm bảo an toàn hoạt động của đơn vị. Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại nợ cho 2.895 khách hàng với tổng nợ gốc 639,6 tỉ đồng và nợ lãi 40,5 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng đã giải quyết cho 5 nhóm đối tượng ưu tiên gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay ngắn hạn bằng đồng VNĐ tối đa 10%/năm; đồng thời đưa lãi suất các khoản vay cũ của các đối tượng này về 13%/năm. Các ngân hàng cũng cho doanh nghiệp xuất kho nguyên liệu điều đã thế chấp để tiếp tục chế biến xuất khẩu, cơ cấu lại các khoản nợ, miễn giảm lãi vay...
* Trong 5 tháng đầu năm, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên liên tục âm. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
- 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của cả nước gần 3%; trong đó, Phú Yên giảm 3,44% so với cuối năm 2012. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế còn hết sức khó khăn, các doanh nghiệp tập trung giải quyết hàng tồn kho nên nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa được cải thiện. Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng quá cao (xấp xỉ 20% năm), đến nay, hoạt động cho vay bộc lộ nhiều rủi ro, các ngân hàng thương mại phải tập trung rà soát để nâng cao chất lượng tín dụng. Ngoài ra, ở Phú Yên, các lĩnh vực có thể hấp thụ vốn tín dụng lớn như xây dựng cơ bản, chế biến nhân hạt điều, nuôi trồng và chế biến hải sản xuất khẩu… đang gặp khó khăn, nợ xấu phát sinh lớn. Mặc dù các ngân hàng đã hỗ trợ tối đa nhưng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này vẫn sản xuất, kinh doanh thua lỗ, buộc các ngân hàng phải xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Vì vậy, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh chưa tăng được như mong muốn.
* Hiện tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
- So với đầu năm nay, đến cuối tháng 5/2013, tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã giảm từ 4,92% xuống còn 4,82%. Nợ xấu còn cao là hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt những năm trước. Hiện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chú trọng kiểm soát và nâng cao chất lượng các khoản cho vay mới, tích cực xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh. Những đơn vị này cũng xem xét gia hạn, cơ cấu nợ, miễn giảm một phần lãi vay… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, có tiền trả nợ cho ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động, ngân hàng sẽ khởi kiện, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu hoặc bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam khi công ty này đi vào hoạt động.
* Vậy hệ thống ngân hàng Phú Yên sẽ làm gì để khơi thông tín dụng?
- Trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục đưa ra nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp từ 9 đến 10%/năm để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn. Đồng thời, xem xét giãn nợ tối đa đến 24 tháng đối với các khoản nợ cũ và cho vay mới với lãi suất tối đa 10%/năm đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch... Các ngân hàng chính sách đẩy mạnh cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, triển khai chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, giúp những người thoát nghèo không bị tái nghèo trở lại. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên và hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng hiệu quả và bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)