Ngày 6/6, UBND huyện Đồng Xuân tổ chức hội thảo về đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2010-2015.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, hiện toàn huyện trồng khoảng 3.000ha mía và 4.700ha sắn. Đối với sắn, chủ yếu là giống KM 94, chiếm 98% diện tích, hiện đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng. Từ năm 2010 đến 2013, tại các xã Xuân Phước, Xuân Quang 2, Xuân Long bằng nguồn vốn nghiên cứu KH-CN của tỉnh và Quỹ Môi trường toàn cầu… đã xây dựng mô hình trồng đậu phộng xen trong sắn trên đất dốc; mô hình trồng đậu phụng xen sắn ở vùng ngập lụt ven sông Kỳ Lộ với quy mô 30ha. Các mô hình này mang lại thu nhập cao cho nông dân, đồng thời cải tạo đất. Trong thời gian đến, huyện Đồng Xuân đưa bộ giống sắn trung ngắn ngày: SM937-26, KM 419, KM98-5, KM98-1, KM140 trồng rải vụ đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu.
Đối với cây mía, bộ giống R579, R570, MY55-14, F156 trồng từ năm 2004 đến nay chưa được thay thế. Diện tích trồng trên các đồi núi, độ dốc cao, nằm rải rác, vì thế khó áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Trong thời gian đến, tiếp tục nghiên cứu và trồng khảo nghiệm các loại giống mía cao sản như SM 937-26, KM 98-1, KM140.
Để chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, từ nay đến năm 2015, Đồng Xuân tập trung đưa các bộ giống sắn, mía có năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong việc chuyển giao kỹ thuật, đầu tư vốn, giống, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu mía, sắn theo quy hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
HOÀI NAM