Thứ Tư, 27/11/2024 02:14 SA
Quản lý tổng hợp đới bờ:
Cách tiếp cận tổng hợp (tiếp theo)
Thứ Năm, 06/06/2013 07:00 SA

Cách tiếp cận quản lý tổng hợp cho phép quản lý đới bờ một cách toàn diện và tổng hợp, với sự chú trọng vào quản lý các vùng đất thuộc quyền sử dụng của tập thể hoặc cá nhân và các vùng nước thuộc sở hữu chung. Về mục tiêu, quản lý tổng hợp (QLTH) nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến các tài nguyên có trong đới bờ, xác định và hợp nhất quyền lợi của các ngành kinh tế trong sự bảo tồn tài nguyên. Các chương trình sử dụng cách tiếp cận QLTH, mặc dù có đặc thù về mục tiêu như vậy, nhưng lại có gốc rễ từ các cách tiếp cận khá truyền thống, đã được biết đến, như quy hoạch phát triển vùng, bảo tồn tài nguyên và quản lý lưu vực.

 

Trong khi mục tiêu chính của QLTH là quản lý sự phát triển sao cho không gây hại cho tài nguyên, nó lại không trực tiếp quản lý việc sử dụng các tài nguyên đó. Các tài nguyên vẫn tiếp tục được quản lý bởi các cơ quan quản lý của các ngành như lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, môi trường v.v.. Nếu quá trình phát triển này được quản lý bởi QLTH, nó sẽ hỗ trợ nhiều trong việc bảo tồn tài nguyên môi trường thông qua sự điều phối giữa nhiều ngành hoặc nhiều cơ quan chức năng, mà bằng cách khác khó mà thực hiện được.

 

Sự tổng hợp theo chiều ngang thể hiện nỗ lực nhằm điều phối các ngành kinh tế tư nhân cũng như nhà nước và do đó giảm được sự chắp vá và chồng chéo trong quản lý. Đạt được cơ chế phối hợp làm việc chính là một trong những khó khăn cơ bản của việc thiết lập một chương trình quản lý kiểu QLTH. Các ngành kinh tế tư nhân và các cơ quan nhà nước đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên tài nguyên, môi trường và sử dụng đới bờ. Về khía cạnh “quy hoạch”, QLTH xem xét hậu quả của các hoạt động phát triển khác nhau, đề xuất sự bảo vệ, cưỡng chế tuân thủ pháp luật và các phương án phát triển cần thiết, đảm bảo sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên đới bờ ở mức sản xuất hợp lý nhất. Về khía cạnh “quản lý” (hoặc thực hiện), QLTH đánh giá các tác động đến môi trường và kinh tế - xã hội của các dự án phát triển cụ thể và đề xuất những thay đổi cần thiết để bảo tồn tài nguyên và bảo vệ đa dạng sinh học. QLTH điều phối các hành động của các ngành kinh tế khác nhau, đảm bảo rằng sự thuận lợi của ngành này không mang đến khó khăn, bất lợi cho ngành khác.

 

Quá trình QLTH rất linh hoạt và mềm dẻo, nó có thể tập trung vào các tai biến do xói mòn lở bờ biển, như chương trình QLTH của Sri Lanka; vào thủy sản như chương trình QLTH của Philippines; vào các vùng ven biển cần bảo vệ như Chiến lược QLTH đề xuất của A rập Xê út; vào nuôi tôm như Ecuado; vào sử dụng đất như chương trình QLTH của Mỹ. Mục tiêu hoặc viễn cảnh mong muốn đối với một vùng biển hoặc đới bờ đòi hỏi một thời gian dài hơn quy hoạch kinh tế thông thường (có thể là 25 hoặc 50 năm). Một bản chiến lược (hoặc sự thỏa thuận), kể cả về các nguồn lực để đạt được chúng, cần phải được thống nhất thông qua việc quản lý cụ thể hằng ngày, liên quan đến nhiều cơ quan và cộng đồng. Phải xây dựng các thông số, chỉ tiêu giám sát, đánh giá để có thể đánh giá một cách khách quan kết quả đạt được. Trên tất cả, các nhà làm chính sách, quản lý và các bên liên quan phải cùng thỏa thuận thực hiện chiến lược này.

 

(Còn nữa)

Theo Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek