Thứ Bảy, 05/10/2024 04:22 SA
Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri Phú Yên
Thứ Năm, 06/06/2013 10:15 SA

Trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của ĐBQH tỉnh, nhiều cử tri phản ánh: “Việc quy định giá xăng tăng lên và khi hạ giá bán không tương xứng, tần suất tăng nhiều hơn tần suất giảm; vấn đề này tiếp diễn nhiều lần trong năm, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đây là lợi ích nhóm.”

 

Trên cơ sở phản ánh của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét trả lời. Ngày 29/5/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 6817 trả lời như sau:

 

Giá xăng dầu đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP với nguyên tắc nhất quán là: “giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở (bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới), thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá (10 ngày) để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Khi giá cơ sở tăng quá cao, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính (việc điều hành thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu) nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Hiện nay, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trước hết là giá xăng, dầu thành phẩm.

 

Thực tiễn của việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua liên Bộ Tài chính- Công thương đã bám sát các nội dung của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, nhất quán tuân thủ quy định của Chính phủ, đồng thời thường xuyên thực hiện công khai, minh bạch về việc điều hành giá xăng dầu thông qua các hình thức: công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo, thông cáo báo chí, các cuộc giao lưu đối thoại chính sách… Cụ thể là: công khai về cơ chế điều hành theo các quy định số 84/2009/NĐ-CP và các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định; minh bạch về từng yếu tố cấu thành giá trong giá cơ sở, các biện pháp ổn định giá (thuế, phí, quỹ), niêm yết giá, các quyết định giá, công khai về kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm soát…

 

Việc điều hành giá xăng dầu cần được đánh giá toàn diện cả một quá trình chứ không nên chỉ nhìn nhận một chiều ở một thời điểm cụ thể cho rằng “giá xăng dầu trong nước tăng nhanh, giảm chậm, tăng ở mức cao, giảm ít, tần suất tăng nhiều hơn tần suất giảm”… Sở dĩ như vậy là do:

 

- Thứ nhất, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, trong nhiều thời điểm điều hành, khi giá thế giới tăng cao tạo sự chênh lệch giữa giá bán lẻ trong nước và giá cơ sở được tính toán công khai theo quy định, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp phần chênh lệch này, nhưng giá trong nước chỉ tăng một phần chứ không phải tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở và mức giá bán hiện hành; phần chênh còn lại được bù đắp bằng Quỹ Bình ổn giá hoặc Nhà nước phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc doanh nghiệp không được tính đủ khoản lợi nhuận định mức (quy định 300 đồng/lít, kg). Khi các công cụ tài chính (Quỹ Bình ổn giá, thuế nhập khẩu…) đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng.

 

- Thứ hai, khi giá xăng dầu thế giới giảm (khi tính giá cơ sở đều phải theo chu kỳ dự trữ bình quân 30 ngày, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước phải giảm ngay) việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải cân nhắc các công cụ đã được sử dụng trước đó.

 

Do giá xăng dầu nước ta phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới những năm gần đây luôn biến động theo xu hướng tăng. Vì vậy giá xăng dầu trong nước cũng được điều hành tương ứng, nhưng không hoàn toàn thụ động theo biến động của giá xăng dầu thế giới mà phải áp dụng các biện pháp tài chính để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Như vậy, việc điều hành giá xăng dầu trong nước vừa qua đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, bám sát theo biến động của giá xăng dầu thế giới, Nhà nước thực hiện việc giám sát, kiểm tra áp dụng các công cụ điều tiết khi cần thiết để bình ổn giá (Quỹ Bình ổn giá, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp,…) không để giá xăng dầu thế giới tự phát tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek