Thứ Sáu, 04/10/2024 18:23 CH
Thực, hư việc kêu cứu của Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát
Bài cuối: Lấy lợi ích của quốc gia, địa phương làm trọng
Thứ Tư, 05/06/2013 14:00 CH

Việc điều chỉnh giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch KCN Hòa Tâm không ngoài mục đích vì sự phát triển chung trên tinh thần hai bên cùng có lợi; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành kết cấu hạ tầng các hạng mục.

 

vung-ro-130605.jpg

Lãnh đạo tỉnh khảo sát địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô - Ảnh: P.NAM

SỰ THẬT CỦA KIẾN NGHỊ

 

Ngày 2/10/2012 và ngày 25/2/2013, Công ty HHP đã 2 lần gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, phản ánh việc UBND tỉnh Phú Yên đơn phương lập thủ tục đầu tư và giao đất trực tiếp cho Công ty VRP trên phần diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty HHP. Ngày 22/4/2013, Công ty HHP lại có đơn kêu cứu số 12/2013/VB-HHP tiếp tục gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tỉnh Phú Yên yêu cầu điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Hòa Tâm và giao đất Nhà máy lọc dầu Vũng Rô trên phần diện tích đất được cấp giấy chứng nhận đầu tư của Công ty HHP không đúng quy định. Công ty HHP cho rằng: “Quyết định của lãnh đạo tỉnh Phú Yên sẽ gây ra một số hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với chúng tôi mà còn làm tổn thất uy tín, tác hại đến nhiều mặt về kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của Nhà nước nói chung, cụ thể như: Hủy bỏ toàn bộ quá trình nghiên cứu đầu tư, lập và triển khai đồ án quy hoạch chi tiết do Công ty HHP đã tốn kém sức lực, chi phí đầu tư trong thời gian qua (đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được chúng tôi thực hiện cùng với các nhà tư vấn uy tín trên thế giới đã được hoàn chỉnh, chỉ chờ lãnh đạo tỉnh Phú Yên phê duyệt theo quy định của trình tự thủ tục đầu tư). Đồng thời quyết định này đã biến dự án KCN Hòa Tâm thành không khả thi. Lãng phí tài sản chung của xã hội trong đó có vốn đầu tư, chi phí của doanh nghiệp, ý tưởng, kinh nghiệm của các chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới, công sức và thời gian của UBND tỉnh cùng các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh Phú Yên. Không có sự phát triển bền vững của Khu kinh tế Nam Phú Yên vì việc triển khai xây dựng các công trình và nhà máy trong KCN mà không dựa trên quy hoạch chi tiết 1/2000 (quy hoạch chi tiết 1/2000 KCN Hòa Tâm đạt chuẩn quốc tế đã được phê duyệt phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1712/QĐ-TTG ngày 23/10/2009). Làm hủy hoại môi trường đầu tư tại Phú Yên, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư tiềm năng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vì KCN Hòa Tâm đã được Tập đoàn quốc tế về năng lượng, hóa dầu, quản lý khai thác vận hành cảng, khai thác vận hành kho chứa dầu thô và sản phẩm dầu… quan tâm nghiên cứu để xem xét quyết định đầu tư”.

 

Theo UBND tỉnh Phú Yên, những vấn đề nêu ra trong các đơn kêu cứu của Công ty HHP chưa thật sự khách quan và đúng bản chất vấn đề. UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của nhà đầu tư (Công ty HHP) trong hơn 2 năm qua (từ tháng 11/2010), nhưng tiến độ triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chung. Việc điều chỉnh giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch KCN Hòa Tâm có ảnh hưởng đến việc nghiên cứu đầu tư của Công ty HHP. UBND tỉnh mong muốn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng phần còn lại của dự án để cùng nhau phát triển.

 

Việc Công ty HHP yêu cầu Công ty VRP bồi thường các thiệt hại trực tiếp là không đúng. Bởi lẽ, việc điều chỉnh giảm 450ha diện tích xây dựng nhà máy và cảng Bãi Gốc để giao trực tiếp cho Công ty VRP là quyết định của tỉnh Phú Yên; các thiệt hại đối với Công ty HHP do việc giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch là từ quyết định này. Do vậy, việc bồi hoàn mọi chi phí theo quy định pháp luật cho Công ty HHP là trách nhiệm của tỉnh Phú Yên, không thuộc trách nhiệm của Công ty VRP.

 

Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đặt tại KCN Hòa Tâm thực tế rất có lợi cho Công ty HHP trong việc thu hút đầu tư các dự án khác vào KCN, như các dự án về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu cùng với lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc. Ngoài ra, phía Công ty HHP còn hưởng được lợi thế từ những dự án đầu tư ngoài hàng rào theo cơ chế ưu đãi của Chính phủ đối với những dự án an ninh, an toàn năng lượng quốc gia. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Yên khẳng định, những quyết định liên quan đến dự án KCN Hòa Tâm đều lấy lợi ích của địa phương nói riêng và lợi ích quốc gia làm trọng, đồng thời cân nhắc việc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.

 

HÀI HÒA LỢI ÍCH

 

Tại cuộc họp báo ngày 5/4 do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức, nhiều phóng viên đặt câu hỏi, vì sao đối với một dự án được cấp phép từ rất lâu như KCN Hòa Tâm, đến nay vẫn chỉ dừng lại việc nghiên cứu quy hoạch, tiến độ chậm so với cam kết mà UBND tỉnh không thu hồi giấy phép? Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, UBND tỉnh luôn chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, nếu Công ty HHP vẫn kéo dài việc nghiên cứu, hoặc nếu quy hoạch được phê duyệt và giao đất mà công tác triển khai xây dựng hạ tầng theo giấy phép không đáp ứng tiến độ cam kết, thì UBND tỉnh sẽ cân nhắc việc thu hồi.

 

Cũng cần nói thêm, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 68 của Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, nêu rõ: “Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án trong trường hợp: dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà sau 12 tháng, nhà đầu tư không triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định tại Điều 67 Nghị định này…”. Điều 6 của Luật Đầu tư còn quy định: “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm công bố việc trưng mua, trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư”.

 

Thực tế, việc triển khai thực hiện dự án KCN Hòa Tâm đã chậm tiến độ quá 12 tháng theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư và chưa được cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận tạm dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện. Đối chiếu với quy định trên, Phú Yên đủ điều kiện để chấm dứt hoạt động của dự án. Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Công ty HHP không chấp thuận điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, trên cơ sở các quy định về điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên có thể chấm dứt hoạt động của dự án.

 

Về điều kiện được cho thuê đất vào KCN, dự án KCN Hòa Tâm được Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu: “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, cảng biển nước sâu và các ngành dịch vụ”. Như vậy, đây là một dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ. Theo đó, tại Điểm e, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 7 của Luật Kinh doanh bất động sản nêu rõ: “... Quyền sử dụng đất đưa vào kinh doanh phải có các điều kiện sau đây: Thuộc đối tượng được phép kinh doanh; có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không có tranh chấp; trong thời hạn sử dụng đất; không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật KCN thì phải có các công trình hạ tầng tương ứng với nội dung và tiến độ của các dự án đã được phê duyệt…;”. Còn tại Điểm d, Khoản 1, Điều 111 của Luật Đất đai nói về tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có các quyền và nghĩa vụ sau đây: “Cho thuê lại đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế”.

 

Như vậy, trên cơ sở các quy định của các nghị định, luật nói trên và thực tế tiến độ đầu tư tại KCN Hòa Tâm, Công ty HHP chưa đủ điều kiện để cho thuê quyền sử dụng đất và cho thuê kết cấu hạ tầng. Do vậy, việc điều chỉnh giảm quy mô diện tích của KCN Hòa Tâm để giao đất trực tiếp cho Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là thẩm quyền của tỉnh Phú Yên và vì lợi ích chung, nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật phức tạp cũng như tính đồng bộ cao của nhà máy lọc dầu. Việc điều chỉnh giảm quy mô diện tích này cũng đã có tiền lệ thực hiện tương tự tại Dự án KCN Lọc hóa dầu Long Sơn và Tổ hợp Lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu).

 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển tỉnh Phú Yên đến năm 2020, khu vực này có nhu cầu đầu tư nhiều lĩnh vực. Việc lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư dựa vào các tiêu chí: Có tầm quan trọng đặc biệt, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, thu hút đông dân cư hưởng lợi từ dự án; có khả năng khai thác quỹ đất, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có thể tiến hành ngay, phù hợp với năng lực về tài chính và khả năng quản lý hiện nay, đồng thời có khả năng đóng góp nguồn thu cho ngân sách...

 

ANH KIỆT - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek