Thứ Hai, 25/11/2024 16:30 CH
Thực, hư việc kêu cứu của Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát
Bài 2: Chuyển địa điểm Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là đúng quan điểm của Chính phủ
Thứ Ba, 04/06/2013 14:00 CH

Nhà máy lọc dầu Vũng Rô xin chuyển địa điểm đầu tư vào đúng Khu công nghiệp lọc hóa dầu Hòa Tâm trong quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; địa điểm dự án phù hợp với quy hoạch chung của Khu kinh tế Nam Phú Yên và KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm.

 

vung-ro130604.jpg

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực địa vị trí xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô - Ảnh: P.NAM

PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH

 

Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là dự án 100% vốn nước ngoài do Công ty TNHH Technostar Management Ltd. (Vương quốc Anh), làm chủ đầu tư. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trương đầu tư (tại Văn bản số 4020/VPCP-ĐT ngày 5/8/2004 của Văn phòng Chính phủ), đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư (tại Văn bản số 1586/TTg-ĐK ngày 22/10/2007) và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 361023000005 ngày 18/11/2007.

 

Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 1 (số 361043000035 ngày 19/1/2012) với quy mô xây dựng nhà máy có công suất 4 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 1,7 tỉ USD. Ngay sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, nhà đầu tư đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn trên diện tích 185,1ha; hoàn thành công tác khoan khảo sát địa chất, lập báo cáo nghiên cứu khả thi… Đồng thời để tối ưu hóa sơ đồ công nghệ, nguyên liệu và công suất, nhà đầu tư không phân chia làm hai giai đoạn đầu tư mà đầu tư ngay từ đầu với công suất 8 triệu tấn/năm với tổng nguồn vốn gần 3,2 tỉ USD. Nhà đầu tư đã ký 2 hợp đồng then chốt về công nghệ với Công ty UOP (Hoa Kỳ) gồm hợp đồng mua bản quyền công nghệ và hợp đồng thiết kế kỹ thuật. Công ty UOP đã hoàn thành hồ sơ nghiên cứu khả thi chi tiết của dự án. Ngoài ra, Công ty JGC (Nhật Bản) cũng tham gia nghiên cứu khả thi chi tiết ngay từ đầu làm tiền đề quan trọng cho việc ký kết hợp đồng EPC theo hình thức triển khai nhanh. Bên cạnh đó nhà đầu tư đã ký hợp đồng với các đơn vị Tư vấn Tài chính - Storm Habour (đa quốc gia), Tư vấn Luật - Clifford Chance (Hoa Kỳ), Tư vấn Kiểm toán - KPMG (Hoa Kỳ), Tư vấn Đánh giá tác động môi trường - ECO (Việt Nam).

 

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn (Công ty UOP - Hoa Kỳ), diện tích 185,1ha xây dựng nhà máy tại khu vực làng Thượng, xã Hòa Tâm và xã Hòa Xuân Nam (Đông Hòa) không đảm bảo đủ diện tích để xây dựng nhà máy với công suất 8 triệu tấn/năm. Tại khu vực làng Thượng do địa hình 4 phía đều là núi nên việc mở rộng quy mô diện tích không thể thực hiện được và gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Do vậy, nhà đầu tư Công ty VRP đề nghị xin được điều chỉnh địa điểm vào khu CN4 thuộc KCN Hòa Tâm, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009 là khu vực dành cho công nghiệp lọc hóa dầu, diện tích đất sử dụng 450ha/1.080ha của KCN Lọc hóa dầu Hòa Tâm và 134ha/220ha mặt bằng xây dựng cảng.

 

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, trong quá trình triển khai dự án, Công ty VRP đã thuê các đơn vị tư vấn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc hóa dầu quốc tế như UOP (Hoa Kỳ) và JGC (Nhật Bản) đánh giá và đưa ra nhận định, với công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm không có hiệu quả, nên đã đề nghị cho nâng công suất thiết kế lên 8 triệu tấn/năm (trong đó có 4 sản phẩm hóa dầu). Với quy mô này thì diện tích đất 181ha tại vị trí cũ không đảm bảo cho việc xây dựng nhà máy, nên chủ đầu tư đã đặt vấn đề chuyển địa điểm đầu tư vào khu CN4 thuộc KCN Hòa Tâm, là khu vực dành cho KCN lọc hóa dầu. Tỉnh Phú Yên thấy đề nghị trên của Công ty VRP là phù hợp với Quy hoạch chung của KKT Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô còn là dự án đầu tư có quy mô lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên, có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên nói riêng và của khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

 

Vì vậy, tỉnh Phú Yên không thể bỏ qua cơ hội này để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nếu chờ Công ty HHP hoàn chỉnh quy hoạch, trình duyệt, đầu tư xây dựng hạ tầng thì sẽ chậm tiến độ. Do vậy, lãnh đạo tỉnh thống nhất lập các thủ tục trình Chính phủ chủ trương điều chỉnh quy mô công suất lên 8 triệu tấn/năm và điều chỉnh địa điểm của dự án, đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận.

 

Ngày 26/11/2012 Bộ KH-ĐT có Công văn số 9826/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo bổ sung việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tỉnh Phú Yên, trong đó nói rõ: Về quy hoạch địa điểm, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô xin chuyển địa điểm đầu tư vào đúng KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm trong quy hoạch chung xây dựng KKT Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, địa điểm dự án phù hợp với quy hoạch chung của KKT Nam Phú Yên và KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm.

 

Về mặt bằng khu vực dự án: Theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm có diện tích 1.080ha đã giới thiệu cho Công ty HHP nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng. Hiện tại quy hoạch do Công ty HHP lập, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt do đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung dự án Trung tâm Điện lực Hòa Tâm trong tổng sơ đồ quy hoạch điện VII để triển khai tại khu công nghiệp này. Theo báo cáo, UBND tỉnh Phú Yên chưa giao đất và Công ty HHP chưa đầu tư công trình nào tại khu vực này.

 

Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là dự án có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung Bộ và tỉnh Phú Yên. Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô dự kiến thực hiện đầu tư hạ tầng với diện tích lớn (1.038ha, trong đó 450ha là diện tích mặt đất khu công nghiệp). Việc chủ đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô phải thuê lại đất của một nhà đầu tư hạ tầng khác với diện tích lớn như vậy sẽ dẫn đến hàng loạt những bất cập về kỹ thuật, không đáp ứng được tiến độ và yêu cầu của các ngân hàng cho vay và tiến độ triển khai dự án.

Để tạo quyền chủ động cho nhà đầu tư dự án, với dự án có quy mô lớn, các hạng mục hạ tầng đầu tư đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tính đồng bộ cao, trên cơ sở lợi ích chung, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên xem xét việc giao đất trực tiếp cho nhà đầu tư theo quy định.

 

ĐỀ NGHỊ CÔNG TY VRP LÀ NHÀ ĐẦU TƯ THỨ CẤP LÀ KHÔNG PHÙ HỢP

 

Theo Công ty HHP, trước đó Công ty VRP và Công ty HHP có trao đổi làm việc với nhau về việc chuyển địa điểm vào KCN Hòa Tâm. Công ty CP HHP đã mời gọi, thuyết phục và đề nghị Công ty VRP dời Nhà máy lọc dầu Vũng Rô về KCN Hòa Tâm để tận dụng những lợi thế và phát huy thế mạnh tại KCN này… Công ty VRP cần phải làm việc và được sự thống nhất chấp thuận của Công ty CP HHP theo đúng quy định hiện hành hoặc thuê lại đất trong khu công nghiệp để làm nhà đầu tư thứ cấp…

 

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, nội dung cụ thể về việc này chính quyền địa phương không rõ. Chỉ sau khi Công ty CP HHP gửi báo cáo thì chính quyền mới biết. Công ty CP HHP đề nghị Công ty VRP là nhà đầu tư thứ cấp và thuê đất qua Công ty CP HHP là không phù hợp. Bởi lẽ, dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là dự án có tác động hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của tỉnh Phú Yên trong quá trình CNH-HĐH; là dự án an ninh năng lượng, nằm trong KKT Nam Phú Yên thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên đưa vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư được miễn 100% tiền thuê đất, nên không phải thuê lại đất. Hơn nữa, Công ty CP HHP chưa đầu tư bất cứ một công trình kết cấu hạ tầng nào trong KCN Hòa Tâm, nên cũng không thể cho thuê kết cấu hạ tầng.

 

Theo UBND tỉnh Phú Yên, trước và sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh địa điểm dự án lọc dầu Vũng Rô, UBND tỉnh đã có hai lần mời Công ty CP HHP làm việc về nội dung điều chỉnh quy mô nghiên cứu quy hoạch của KCN Hòa Tâm. Tuy nhiên do điều kiện công tác của hai bên không thể tiến hành làm việc theo thời gian đã định nên đến ngày 3/4/2013 mới tiến hành họp. Tại buổi làm việc ngày 3/4/2013 giữa UBND tỉnh và Công ty CP HHP, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc thông báo chủ trương của Chính phủ (tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 01/02/2013 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ) về dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô; đồng thời yêu cầu Công ty CP HHP giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch với diện tích 450ha tại phía đông nam của KCN Hòa Tâm và mặt bằng cảng Bãi Gốc để giao đất trực tiếp cho Công ty VRP thực hiện đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.

 

Theo Công văn số 52/TB-VPCP ngày 1/2/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Thủ tướng đã kết luận: “Việc điều chỉnh công suất của dự án lọc dầu Vũng Rô là phù hợp với chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đầu tư dự án này không chỉ để cân đối nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Dự án có tác động hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của tỉnh Phú Yên trong quá trình CNH-HĐH. Đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô dự án lọc dầu Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm như đề nghị của tỉnh Phú Yên và Bộ KH-ĐT; đồng ý nguyên tắc việc điều chỉnh địa điểm của dự án (bao gồm cả cảng chuyên dụng); UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án, phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan sự việc”.

 

Tại cuộc họp báo ngày 5/4, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết, việc điều chỉnh giảm 450ha diện tích xây dựng nhà máy và cảng Bãi Gốc để giao trực tiếp cho Công ty VRP là quyết định của tỉnh Phú Yên, do vậy việc bồi hoàn mọi chi phí theo quy định pháp luật cho Công ty CP HHP là trách nhiệm của tỉnh Phú Yên, không thuộc trách nhiệm của Công ty VRP và nguồn kinh phí bồi thường sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét. Thực tế dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đặt tại KCN Hòa Tâm rất có lợi cho Công ty CP HHP trong việc thu hút đầu tư các dự án khác, như các dự án về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc và những dự án đầu tư ngoài hàng rào…

 

Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Yên một lần nữa khẳng định, những quyết định liên quan đến Dự án KCN Hòa Tâm đều lấy lợi ích của địa phương và lợi ích quốc gia làm trọng, đồng thời cân nhắc việc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư. Việc yêu cầu giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu đầu tư của Công ty CP HHP, UBND tỉnh có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí trong quá trình đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc cho biết thêm, để có cơ sở bồi thường, Công ty CP HHP phải có công văn đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

 

ANH KIỆT - PHƯƠNG NAM

 

BÀI CUỐI: Lấy lợi ích của quốc gia, địa phương làm trọng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek