Điểm giết mổ gia cầm tập trung đầu tiên ở Phú Yên đặt tại Công ty Công nghiệp nông thủy sản (xã Hòa Thành huyện Đông Hòa) đã đi vào hoạt động từ ngày 6 -1. Cùng thời điểm, điểm buôn bán gia cầm tập trung cũng được tổ chức tại chợ An Đông (xã Hòa An huyện Phú Hòa). Tuy nhiên, hiện cả người buôn bán và người tiêu dùng gia cầm vẫn chưa mặn mà với hình thức mới này và nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong cung cầu.
NGHỊCH LÝ CUNG CẦU
Gần đây, người tiêu dùng ở TP Tuy Hoà đã quay trở lại dùng sản phẩm gia cầm. Tuy nhiên, khi gia cầm được bán tập trung tại chợ An Đông thì lại không thu hút khách. Theo những người bán hàng, trước đây mỗi ngày họ bán được khoảng 30 con gia cầm thì nay có ngày không bán được con nào tại chợ mới này. Chị Cao Thị Hoà, một người có thâm niên buôn bán gia cầm hơn 10 năm nay than vãn: “Gần 40 hộ bán gia cầm tập trung lên đây đều không bán được hàng, trong khi thời gian này là mùa làm ăn của những người mua bán”. Bà Lê Thị Kim ở phường 4 cho hay: “Nhà có việc nên tui phải tìm mua gà nhưng tiền xe thồ đi về mất hết 10.000đồng, chắc lần sau không dám lên đây nữa đâu”.
Gà được giết mổ và mua bán tại chợ TP Tuy Hoà - Ảnh: Minh Nguyệt
Trong khi đó, gia cầm ở chợ Tân Hiệp (phường 2 –TP Tuy Hoà) và chợ Trung tâm TP vẫn nhộn nhịp như thường. Những người bán gia cầm ở chợ An Đông đổ về các chợ này một cách công khai. Khi có lực lượng kiểm tra, họ bỏ gia cầm lên xe và bán theo kiểu di động. Các điểm giết mổ gần chợ cũng hoạt động trở lại. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc cung ứng sản phẩm gia cầm sạch bệnh tại các chợ trong thành phố chưa thực hiện song song với đưa gia cầm sống ra khỏi thành phố. Ông Võ Văn Ngọ, Trưởng ban Quản lý chợ Trung tâm TP Tuy Hoà cho rằng: “Chủ trương của UBND tỉnh là không cho các hộ bán gia cầm trong các chợ nội thành, nhưng bà con bày bán tại khu dân cư ở đường Lương Văn Chánh lại không nằm trong khu vực quản lý của ban quản lý chợ. Do vậy, chúng tôi rất khó trong việc xử lý”.
NGƯỜI TIÊU DÙNG CHƯA QUEN VỚI SẢN PHẨM ĐÔNG LẠNH
Thay vì giết mổ gia cầm tại nhà như trước đây, hiện nay những người bán sản phẩm gia cầm làm sẵn phải qua Công ty Công nghiệp nông thuỷ sản để giết mổ tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường. Công ty này bố trí cho các hộ giết mổ gia cầm vào buổi chiều hôm trước và bỏ vào kho lạnh. Tuy nhiên, hôm sau gia cầm đông cứng lại, người tiêu dùng không mua sản phẩm này vì cho rằng thịt, cá tươi đầy chợ thì việc gì phải dùng đồ đông lạnh! Thế là những người buôn bán này chuyển sang giết mổ vào lúc 3 -4 giờ sáng. Họ than phiền việc đi lại vừa xa xôi, vừa tốn kém nên tiền lời còn lại chẳng được bao nhiêu. Chị Phạm Thị Công ở An Phước, Hoà An, Phú Hoà cho biết: “Nếu gia cầm được giết mổ tại nhà thì con cái có thể phụ giúp được và bán hết đến đâu sẽ làm đến đó. Còn khi qua điểm giết mổ tập trung thì từ 2 – 3 giờ sáng, vợ chồng phải đèo gà vịt, xoong nồi, củi lửa … đội mưa, đội gió đi vất vả quá”.
Ông Võ Tân, Giám đốc Công ty Công nghiệp nông thuỷ sản Phú Yên cho biết: “Hiện nay chỉ có vài người đem gia cầm đến đây giết mổ tập trung. Do đó, khoảng giữa tháng 1 này, công ty sẽ đưa dây chuyền giết mổ gia cầm bán thủ công với công suất 500 – 1000 con/ngày vào hoạt động. Lúc đó chúng tôi sẽ cung cấp hàng sỉ gia cầm làm sẵn cho các hộ kinh doanh để bán lại. Đây là giải pháp tình thế để phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết, về lâu dài công ty sẽ có hướng khác”. Đây là tin vui cho người tiêu dùng vì có được địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm gia cầm sạch. Tuy nhiên, điều lo ngại khác đặt ra là điểm cung ứng này liệu có đủ lượng và bảo đảm mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận hay không?
CẦN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Ông Võ Văn Ngọ cho biết, Ban quản lý chợ Trung tâm TP Tuy Hoà đã bố trí một điểm ở đường Lương Văn Chánh để các hộ đóng tủ và bán gia cầm làm sẵn. Thế nhưng, những hộ này chỉ bưng thúng chạy đầu này, đầu kia bán mà thôi. Việc đóng dấu kiểm dịch cũng không được họ chấp hành vì cho rằng chi phí cao. Bà con quen kiểu mua đâu bán đấy, chưa ý thức được việc thay đổi này nên họ rất kêu ca. Theo ông Ngọ, nếu các ngành chức năng thực hiện việc này một cách đồng bộ, UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để sản phẩm gia cầm có giá thành phải chăng và chiến dịch được triển khai quyết liệt, duy trì thường xuyên thì mới mong có kết quả tốt được.
Theo bà Đỗ Thị Dậu, Chánh thanh tra Chi cục Thú y Phú Yên: “Do triển khai chưa đồng bộ nên mọi việc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công ty Công nghiệp nông thuỷ sản đảm nhận việc cung cấp sản phẩm gia cầm sạch cho người tiêu dùng nhưng hiện chưa có sản phẩm để phục vụ. Nếu các ngành vào cuộc một cách tích cực, dẹp bỏ gia cầm bán ở các chợ nội thành và ven đường Quốc lộ 25 thì người dân từng bước sẽ quen mua gia cầm ở chợ mới”.
Đàn gia cầm ở Phú Yên có đến gần 2 triệu con. Việc tiêm phòng gia cầm được thực hiện đầy đủ, hơn nữa, đây là một trong những tỉnh 3 năm liền không xảy ra dịch cúm gia cầm. Để vừa giữ vững vùng an toàn trước dịch cúm, vừa đáp ứng nhu cầu gia cầm cho thị trường, Phú Yên đang cần có kế hoạch tiêu thụ linh hoạt và hợp lý.
Minh Nguyệt