Thứ Sáu, 29/11/2024 10:32 SA
Mất bò mới lo làm chuồng
Thứ Hai, 09/01/2006 09:58 SA

Thời gian gần đây, số lượng bò bị chết do đói và rét ở Phú Yên tăng lên từng ngày. Đến hôm qua (8-1), số lượng bò bị chết ở Phú Yên đã lên gần 6.000 con, tổng thiệt hại hơn 17,6 tỉ đồng.

 

Người dân chăm sóc những con bò bị kiệt sức còn lại - Ảnh: Ly Kha

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân trâu bò chết là do mưa lũ và rét đậm kéo dài bất thường khiến trâu bò không có thức ăn và không đủ sức đề kháng. Tại các vùng đồng bào dân tộc thuộc ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, đa số người dân chăn nuôi bò theo tập quán chăn thả rông, tận dụng cây cỏ tự nhiên là chính, không có chuồng trại, hoặc chuồng trại không đảm bảo đủ che mưa, che lạnh cho bò, không có nguồn thức ăn dự trữ như rơm khô và các phụ phẩm nông nghiệp khác...Khi mưa lụt kéo dài, hầu hết các đồng cỏ bị ngập, bò không lùa đi chăn thả được dẫn đến bị đói, rét, suy dinh dưỡng lại bị cột nhốt trong môi trường chuồng trại lầy lội, nền đất ngập nước nhiều ngày đã làm suy giảm nhanh sức đề kháng ở trâu bò, nhất là bò già và bê nghé và hậu quả là trâu bò bị chết hàng loạt như trên.

 

Thật xót xa khi biết rằng tại các huyện miền núi Phú Yên, một con bò cách đây một năm có giá từ 3-5 triệu đồng thì hiện chỉ còn 300.000-1.000.000 đồng, bằng 1/5, 1/10 so với trước. Thậm chí trong những ngày rét đậm, bò chết nhiều, có tình trạng giá bán một con bê nghé chỉ bằng một con gà. Có người còn cho không để giết thịt vì nếu không thì bò cũng chết, lại mất công chôn. Một số người xót của xẻ thịt bò sắp chết để bán đổ bán tháo. Những ngày sau mưa lũ, về các huyện miền núi, thịt bò được bày bán đỏ hai bên đường, nhiều hơn cả cá sông. Rất nhiều người dân vì bò chết mà trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất.

 

Trong 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các huyện miền núi đã xác định chăn nuôi gia súc, đặc biệt chăn nuôi bò là ngành sản xuất mũi nhọn. Thực tế, trong những năm qua, nuôi bò lãi rất cao. Nhiều người nhờ phát triển đàn bò đã trở nên giàu có, thành triệu phú, tỷ phú...Trước hấp lực đó, hàng nghìn hộ đã tập trung vay vốn để đầu tư nuôi bò và số lượng đàn bò trong tỉnh tăng lên nhanh chóng, bình quân 20-30% mỗi năm(tuỳ theo vùng). Theo điều tra đến ngày 1-8-2005, đàn bò của tỉnh đã lên đến 201.642 con. Nếu không có sự cố bò chết hàng loạt xảy ra vừa qua, có lẽ đàn bò trong tỉnh sẽ không dừng lại ở con số hơn 200. 000.

 

ĐỀ NGHỊ KHOANH, GIÃN NỢ CHO CÁC HỘ VAY VỐN CÓ BÒ BỊ CHẾT

* Hỗ trợ thức ăn và lều bạt để cứu đàn bò

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Yên vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ 350 tấn thức ăn tinh, 175.500 mét bạt để làm thức ăn, chuồng trại cho 117.000 con bò ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hoà và Sông Hinh; đồng thời đề nghị ngành ngân hàng khoanh, giãn nợ cho các hộ vay vốn có bò bị chết. Lý do là số bò chết quá lớn, nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng về vốn để tái đầu tư chăn nuôi, nhất là những hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về lâu dài,  để khôi phục đàn bò sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 1000 con bò giống, 1000 kg hạt giống cỏ và 100 tấn bắp giống và các loại thuốc vacxin, thuốc sát trùng chuồng trại với giá trị trên 14 tỷ đồng.

 

YÊN HÀ

Trước những thiệt hại to lớn do trâu bò chết hàng loạt, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục. Trước hết là tiến hành xác định nguyên nhân, trên cơ sở đó hướng dẫn những hộ gia đình có bò gầy yếu bổ sung thêm thức ăn tinh và thức ăn xanh để bò nhanh chóng hồi phục sức khoẻ, đồng thời giám sát tình hình dịch bệnh và hướng dẫn bà con cách phòng trừ khi có dịch bệnh xảy ra; Phối hợp với các hội đoàn thể tuyên truyền vận động bà con chăn nuôi bò làm chuồng trại đảm bảo, để bò chống chịu được mưa lạnh, chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn thô và thức ăn tinh cho bò; các huyện thành phố cần có những chủ trương chính sách để phát triển chăn nuôi bò, đặc biệt là chính sách về đất đai, về tín dụng để giúp bà con làm chuồng trại, trồng cỏ, mua thức ăn tinh, tiếp tục phát triển chăn nuôi bò.

 

Trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, chăn nuôi đại gia súc là một hướng đi đúng đắn và đã được nhiều địa phương áp dụng thành công trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Thế nhưng từ thực tế vừa nêu cho thấy ngành chức năng và các địa phương ở Phú Yên đã chưa có một chiến lược bài bản trong việc phát triển ngành chăn nuôi trâu bò theo đúng như vị trí mà nó đảm nhận. Trong các chính sách hỗ trợ cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi từ trước đến nay, chúng ta quá chú trọng đến việc hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển số lượng đàn bò một cách ồ ạt mà chưa đề cập đến việc dự trữ, tạo nguồn thức ăn lâu dài và những giải pháp phòng tránh rét, vệ sinh thú y cho bò một cách hữu hiệu. Để đến bây giờ khi mọi việc đã rồi, hàng trăm người trắng tay vì bò chết thì những giải pháp đưa ra đã quá muộn và tỏ ra hết sức bị động.

 

Ông bà ta có câu: “ Mất bò mới lo làm chuồng”, với tình trạng bò chết hiện nay tại Phú Yên, điều này đúng với cả hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Chỉ mong sao tình trạng này sớm chấm dứt và từ sự việc này, ngành chăn nuôi tỉnh nhìn nhận lại sự việc một cách khách quan nhất để từ đó xây dựng những chương trình, dự án phát triển đàn bò nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung bền vững hơn.

 

LÊ BIẾT 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek