Trước nguy cơ suy giảm tài nguyên nước, UBND tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục theo hướng sử dụng tiết kiệm, bảo vệ chất lượng nguồn nước.
Mùa nắng nóng, nhiều nơi thuộc huyện Sông Hinh, người dân thiếu nước sinh hoạt phải ra mương thủy lợi để tắm giặt - Ảnh: P.NAM
GIỮ NƯỚC ĐẦU NGUỒN
Cùng với việc điều tra, đánh giá lại trữ lượng và chất lượng nguồn nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương kiểm tra các dự án trồng rừng kinh tế của các doanh nghiệp. Theo UBND tỉnh, việc lợi dụng phát dọn thực bì để khai thác tài nguyên rừng; tiến độ trồng rừng chậm, dẫn đến rừng ngày càng bị còi cọc, khả năng giữ nước kém. Một trong những giải pháp có tính cấp bách hiện nay là các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’ Năng phải thực hiện ngay việc trồng lại rừng trên phần đất thực hiện dự án với hơn 400ha. UBND tỉnh đã giao các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh và Tây Hòa bố trí đủ quỹ đất để các chủ đầu tư dự án thủy điện trồng rừng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng. Nếu các địa phương không bố trí được quỹ đất, thì các chủ đầu tư dự án thủy điện phải đóng góp bằng tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để điều tiết việc trồng rừng theo quy định.
Cũng theo UBND tỉnh, các ngành chức năng đang kiểm tra, xem xét năng lực các doanh nghiệp đầu tư những dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan chức năng kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực và thực hiện không đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường. Việc thực hiện các giải pháp quan trọng trên nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới cho từ 25.000 đến 26.500ha lúa mỗi vụ, cung cấp nước cho các nhà máy nước và các nhà máy chế biến nông sản với tổng lưu lượng gần 8,36 triệu mét khối/ngày đêm; tiến tới cung cấp nước cho khoảng 69.000 người dân đang thiếu nước sinh hoạt ở vùng miền núi và ven biển theo thống kê chưa đầy đủ.
Nước sinh hoạt được đưa đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Bia, Sông Hinh - Ảnh: N.TRƯỜNG
XỬ LÝ NHỮNG BẤT CẬP
UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành khắc phục những bất cập trong việc đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung mà sau khi đưa vào khai thác lại không đủ nước, không có nước hoặc người dân phải sử dụng nước chất lượng không đạt chuẩn; các ngành cần kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất và dịch vụ vi phạm xả nước thải không đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến cáo nông, ngư dân hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Trên địa bàn tỉnh có 5 sông lớn và 20 sông nhánh với tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm 13,5 tỉ mét khối. Tài nguyên nước của tỉnh tương đối phong phú nhưng phân bố không đều. Theo Sở TN-MT, trong 4 tháng mùa mưa, nước sông ngòi chiếm từ 70 đến 75% lượng dòng chảy hàng năm; 8 tháng mùa cạn chỉ còn từ 25 đến 30% lượng dòng chảy. Trong khi đó 70% lượng nước cần dùng lại rơi vào mùa cạn. Để chủ động kiểm soát nguồn nước, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư xây dựng thêm hệ thống quan trắc tại các dòng sông, nhằm kịp thời nắm bắt thông tin chính xác diễn biến mực nước qua các mùa, đồng thời thông báo sớm cho người dân chủ động ứng phó với lũ trong mùa mưa...
Thực tế hiện nay cho thấy, tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch… đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, gần một nửa lượng thuốc trừ sâu được sử dụng thấm xuống và tích lũy trong môi trường đất; tình trạng phá rừng làm nương rẫy, trồng sắn, mía có xu hướng tăng…, dẫn đến tài nguyên nước ngày càng bị ô nhiễm. Theo UBND tỉnh, nhất thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên nước, hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái và đảm bảo an ninh nguồn nước.
PHƯƠNG NAM