Thứ Ba, 26/11/2024 16:43 CH
“Trụ đỡ” sao vẫn chịu thiệt thòi
Thứ Ba, 21/05/2013 08:30 SA

Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách luôn khẳng định, nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò trụ đỡ, cứu cánh cho nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tác động xấu lên nhiều ngành nghề. Nhưng có một nghịch lý là chưa bao giờ “trụ đỡ” ấy được hưởng nhiều ưu đãi so với những ngành khác và so với tiềm năng, lợi thế.

 

lua130521.jpg

Nông dân Phú Yên thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013 - Ảnh: NGUYỄN QUANG

ĐIỂM SÁNG CỦA NỀN KINH TẾ

 

Chỉ sau một năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính bắt đầu tác động đến các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi nhiều nước phải chịu tăng trưởng âm, số nước có chỉ số tăng trưởng dương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,5%/năm trong giai đoạn sau 5 năm nước ta gia nhập WTO. Dù thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước khi gia nhập WTO (bình quân 7,8%/năm) và không đạt được mục tiêu đề ra nhưng đây vẫn được coi là “điểm cộng” của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Có một điều khá thú vị là trong tác động của cuộc khủng hoảng, trong khi ngành công nghiệp có độ sụt giảm sâu về tốc độ tăng trưởng thì nông nghiệp vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, thậm chí ở nhiều thời điểm nó còn thể hiện rõ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Cụ thể, sau 5 năm gia nhập WTO, nông nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng bình quân 3,4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là từ 3 đến 3,2%. Trong suốt những năm tháng ấy, có thời điểm doanh nghiệp, nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn do giá nông sản xuống thấp (năm 2009 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ đạt 1,8%, thấp nhất kể từ thời điểm năm 1991) nhưng nông nghiệp vẫn đóng góp cho bức tranh xuất khẩu của Việt Nam những gam màu sáng, với nhiều mặt hàng được gia nhập nhóm các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, như lúa gạo, thủy sản, cao su, cà phê, tiêu... Riêng trong quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,7 tỉ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không những vậy, nông nghiệp, nông thôn luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhiều người khi thị trường lao động có biến động, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: Nông nghiệp đã trở thành cứu cánh quan trọng cho nền kinh tế, là điểm sáng của Việt Nam trong khó khăn.

 

VAI TRÒ TĂNG, NHƯNG BẢO HỘ THỰC TẾ GIẢM

 

Thực hiện các cam kết hậu WTO, Việt Nam phải giảm thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu, nghĩa là sự bảo hộ danh nghĩa đối với sản phẩm hàng hóa trong nước, trong đó có nông sản không còn nhiều.

 

Thực tế là bảo hộ trong nước cho ngành nông nghiệp sau WTO giảm mạnh, một số mặt hàng đi trước lịch trình cam kết như thịt tươi, đông lạnh và chế biến, thủy sản; cá biệt có mặt hàng sự bảo hộ thực tế thấp hơn 0, như mía đường, cao su, gia súc, gia cầm. Tuy vậy, chỉ số lan tỏa kinh tế của các mặt hàng này vẫn lớn hơn 1. Theo các chuyên gia kinh tế, khi một ngành có chỉ số lan tỏa kinh tế phát triển lớn hơn 1 thì không chỉ có lợi cho bản thân ngành đó mà còn có tác dụng kích thích toàn bộ nền kinh tế. Trong khi ngành công nghiệp có bảo hộ thực tế cao thì lại chưa được như kỳ vọng, khi nhiều mặt hàng có chỉ số lan tỏa thấp hơn 1 như: trang phục các loại, hóa chất cơ bản, phân bón và hợp chất ni tơ, sản phẩm từ plastic…

 

Can-tieu130521.jpg

Thu hoạch tiêu ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) - Ảnh: MINH CHÂU

Không những vậy, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng được nhu cầu của ngành. Thống kê cho thấy, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không tăng, thậm chí giảm dần theo thời gian. Nếu như năm 2000, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm khoảng 13,8% GDP thì đến năm 2005, chỉ còn 7,5% và 6,45% vào 2008. Đến năm 2010, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ còn 6,26% GDP. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán WTO, người ta cho phép đầu tư vào khu vực nông nghiệp khoảng 10% GDP, nhưng nhiều năm qua Việt Nam vẫn chưa đạt được con số này.

 

Đó là chưa kể, các doanh nghiệp (kể cả trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) cũng không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2012, tính chung cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, Việt Nam thu hút hơn 13 tỉ USD vốn FDI nhưng chỉ có 87,7 triệu USD rót vào nông nghiệp, tức chỉ chiếm 0,6%. Lũy kế đến hết năm 2012, Việt Nam đã thu hút gần 214 tỉ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ gần 3,4 tỉ USD (chiếm khoảng 1,5%).

 

Một nghịch lý nữa là nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã được ban hành, triển khai nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Đơn cử như chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, dù đối tượng chính nhắm đến là nông dân nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp của Hiêp hội Lương thực Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn, khi họ vừa được vay vốn với lãi suất ưu đãi, vừa mua được lúa với giá rẻ, trong khi đó nông dân thường bán lúa ồ ạt sau khi thu hoạch để trang trải các khoản chi phí trong quá trình sản xuất và do không có kho chứa.

 

CẦN CHÍNH SÁCH ĐỒNG BỘ

 

Từ những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp như phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, phát triển thương hiệu và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến thấp…, nhiều ý kiến cho rằng, cần một hệ thống chính sách đồng bộ để đưa ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm. Trong đó, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn là việc cần làm trong thời gian tới. Muốn vậy phải có những giải pháp nhằm giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực này. Nói cách khác là cần đẩy mạnh triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

 

Nhận thức rõ những thách thức của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, trong báo cáo: “Vun trồng một tương lai no đủ” của Oxfarm tại Việt Nam (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ) đề xuất 5 chính sách để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, đó là: Chấm dứt đói nghèo, suy dinh dưỡng và giải quyết căn bản các nguyên nhân gây mất an ninh lương thực; đưa người dân vào tiến trình phát triển và chấm dứt mọi hình thức loại trừ, gạt bỏ; tăng đầu tư cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ; cải thiện chính sách đất đai; tăng cường sức mạnh và sự tham gia của nông dân thông qua các tổ nhóm nông dân.

 

Nhưng dù thế nào, việc thực thi các chính sách sao cho hiệu quả mới là điều quan trọng. Bởi đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng không đến được với nông dân hoặc có đến cũng chậm chạp và không được như kỳ vọng. Sự minh bạch trong việc triển khai các chính sách, hướng đến hài hòa lợi ích là điều chúng ta cần phải đạt được để nông nghiệp xứng đáng với vị thế của mình và nông dân sớm thoát khỏi cảnh một nắng hai sương.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek