Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý tài sản) có hiệu lực từ ngày 9/7/2013.
Ảnh minh họa
Theo nghị định vừa được Chính phủ ban hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Công ty quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của công ty là 500 tỉ đồng.
Công ty được thực hiện các hoạt động như: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay;...
Chỉ mua nợ xấu đủ 5 điều kiện
Về phương thức mua nợ xấu, Nghị định nêu rõ, công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản phát hành.
Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt
Ngoài ra, Công ty Quản lý tài sản còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.
Các khoản nợ xấu phải đáp ứng đủ 5 điều kiện sau mới được Công ty Quản lý tài sản mua: 1- Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; 2- Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; 3- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; 4- Khách hàng vay còn tồn tại; 5- Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý tài sản mua lại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Mua nợ xấu theo giá trị trường
Nghị định cũng nêu rõ, căn cứ năng lực tài chính của Công ty Quản lý tài sản, hiệu quả kinh doanh kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đối với các khoản nợ xấu đáp ứng 4 điều kiện: 1- Đáp ứng 5 điều kiện đối với các khoản nợ xấu nêu trên; 2- Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; 3- Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; 4- Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
Công ty mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.
Trong trường hợp này, Công ty đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; khi cần thiết, Công ty thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Việc mua bán nợ xấu được lập thành hợp đồng và tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.
Biện pháp đối với TCTD tỉ lệ nợ xấu từ 3% trở lên
Nghị định cũng quy định, tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỉ lệ nợ xấu khác do Ngân hàng Nhà nước quy định không bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản được Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp sau:
Tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; chi phí kiểm toán, định giá do tổ chức tín dụng thanh toán.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản để đảm bảo tỉ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỉ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Theo chinhphu.vn