UBND tỉnh vừa ban hành quy định về cơ chế đầu tư xây dựng thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa: N. MINH
Theo đó, nguồn vốn thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn bao gồm hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân tự nguyện đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể, cấp tỉnh: hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) sử dụng vào công trình và chi phí vận chuyển xi măng, ống cống đến xã; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác quản lý 2 triệu đồng/km; bổ sung cho xã thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các xã bãi ngang ven biển 80 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m); bổ sung cho xã thuộc khu vực II vùng dân tộc thiểu số, miền núi 65 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m); bổ sung cho xã thuộc khu vực I vùng dân tộc thiểu số, miền núi 50 triệu đồng/km (mức hỗ trợ cho đường có bề rộng mặt đường là 3m). Cấp huyện: Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, tùy vào khả năng cân đối ngân sách của cấp huyện và tính chất, mục tiêu của từng công trình mà cấp huyện có thể xem xét hỗ trợ thêm, nhưng không được quá 15% giá trị thực công trình. Cấp xã và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác: Bao gồm ngân sách cấp xã, huy động đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… Huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân: Tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng nền, mặt đường và các vật liệu xây dựng khác; huy động phương tiện thi công, tổ chức thi công xây dựng nền đường, đổ bê tông mặt đường…
MINH TRIẾT