Hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng… là những mục tiêu mà các nông hộ trồng tiêu ở Tây Hòa đang hướng đến thông qua việc áp dụng mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại hộ ông Nông - Ảnh: T.HƯƠNG
Từ trước đến nay, nông dân Phú Yên đã thực hành, áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp với mục tiêu tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch như rau VietGAP, lúa VietGAP… Cũng với mục đích đó, thời gian gần đây một số nông hộ trồng tiêu ở huyện Tây Hòa áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất, thu hoạch tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, còn gọi là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu. Trọng tâm của tiêu chuẩn GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe, phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường. Vì vậy một khi các sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ là lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Phan Quốc Nông ở xã Sơn Thành Tây, một trong những hộ dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho biết: “Vườn tiêu trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình tôi đã được 3 năm tuổi, cây phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Hiện cây tiêu đã cao gần 4m và bắt đầu cho trái bói”.
Theo nhiều hộ trồng tiêu, qua theo dõi và so sánh, tỉ lệ ra trái bói giữa các vườn tiêu trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP cao hơn so với các vườn tiêu trồng thông thường và khi vào kỳ kinh doanh, khả năng năng suất sẽ cao hơn từ 10 đến 15% so với cách trồng thông thường.
Sở dĩ các vườn tiêu trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP phát triển nhanh hơn so với cách trồng tiêu thông thường là vì những diện tích tiêu này được trồng theo quy trình kỹ thuật khá nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc… Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng ở xã Sơn Thành Tây cho biết: Khi trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP, chúng tôi phải kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu chuẩn bị canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Các điều kiện tự nhiên như đất, nguồn nước tưới phải được đảm bảo độ an toàn, giống cây trồng phải sạch bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những loại trong danh mục được phép sử dụng, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng… Trong quá trình sản xuất, chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ, ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, khi áp dụng trồng tiêu theo quy trình này, cây tiêu được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân, thuốc một cách tự động và theo cách tưới nhỏ giọt; có hệ thống rãnh nhằm chống úng cho vườn tiêu. Còn ông Nguyễn Tiến Phương cũng tham gia trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho hay: “Vì mỗi cây tiêu đều được lắp đặt dây tưới tại gốc nên việc tưới nước được tập trung, đúng mục tiêu, vừa tiết kiệm được nước lại không phát tán ra bên ngoài, hạn chế được cỏ dại mọc trong vườn nên công chăm sóc cũng giảm hẳn”. Theo tính toán của ông Phương, bình quân 1ha tiêu trồng theo cách thông thường thì mỗi năm phải tốn khoảng 1.600 công lao động. Còn trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, giảm khoảng 600 công lao động/năm. Ngoài ra, các công đoạn bón phân, thuốc cho cây đều được tưới tự động theo hệ thống tưới nước nên việc hao tổn và phát tán trong môi trường được hạn chế tối đa, giúp tiết kiệm chi phí cho người trồng và hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường. “Mặc dù vốn đầu tư ban đầu cho vườn tiêu theo chuẩn GlobalGAP tương đối cao, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn, nên chúng tôi không ngại đầu tư”, ông Phương cho biết thêm.
Với những hiệu quả tích cực mà mô hình trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP mang lại, hiện có nhiều nông hộ trồng tiêu ở huyện Tây Hòa đang học hỏi và làm theo. Ông Lê Đình Thuận ở xã Sơn Thành Tây cho hay: Qua tham quan và tìm hiểu tại các vườn tiêu GlobalGAP trên địa bàn, thấy được những hiệu quả tích cực của mô hình, đặc biệt giảm đáng kể chi phí công lao động nên tôi dự kiến sau vụ thu hoạch năm nay sẽ đầu tư cho 8 sào tiêu của gia đình theo hướng đó.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, toàn huyện có khoảng 500ha tiêu, trong đó có hơn 10ha được đầu tư trồng theo chuẩn GlobalGAP. Mô hình này do Công ty cổ phần cà phê Sơn Thành hướng dẫn. Với những hiệu quả tích cực của việc trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP mang lại, nhiều hộ dân trồng tiêu đang rất quan tâm học hỏi để làm theo. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho cây tiêu của địa phương, bởi nếu được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP thì sản phẩm tiêu của Phú Yên sẽ từng bước tạo dựng được thương hiệu, có đủ điều kiện để cạnh tranh khi tham gia xuất khẩu. Giá trị sản xuất, kinh doanh của tiêu sẽ được nâng cao, lợi nhuận của người nông dân cũng được nâng lên đáng kể.
Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP được xây dựng bởi một hiệp hội bình đẳng của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các tổ chức dịch vụ, các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp, các tổ chức chứng nhận, các công ty tư vấn, các nhà sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các trường đại học...và các hiệp hội của họ. GlobalGap(là viết tắt của từ Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đây là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
THỦY TIÊN