Trước những bất lợi của thời tiết, dự báo khả năng xảy ra hạn nặng trong vụ sản xuất hè thu năm 2013, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để chống hạn.
Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam lập trạm bơm dã chiến tại xi phông Bến Lội (xã Hòa Trị, Phú Hòa) để chống hạn cứu lúa hè thu 2012 - Ảnh: T.HƯƠNG
NHIỀU BIỆN PHÁP CHỐNG HẠN
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa mùa khô năm 2013 ở khu vực miền Trung thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 40-50%. Tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng trên diện rộng, độ mặn có khả năng xâm nhập sâu vào các vùng cửa sông, ven biển... Trước tình hình này, Công ty Đồng Cam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp trong trường hợp xảy ra hạn trong vụ sản xuất hè thu. Theo Công ty Đồng Cam, để đáp ứng nhu cầu đưa nước về tưới tiêu các cánh đồng trong vụ sản xuất hè thu, ngay khi kết thúc vụ lúa đông xuân 2012-2013, công ty đã triển khai xây lắp, bê tông hơn 700m kênh mương thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa và Phú Hòa; tiến hành nạo vét, tu sửa hơn 6km các tuyến kênh tưới thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam và các kênh tưới thuộc hệ thống Tam Giang, Phú Xuân với tổng kinh phí hơn 4,8 tỉ đồng. Đồng thời, công ty cũng yêu cầu các trạm thủy nông thực hiện cấp nước tưới tiết kiệm tối đa, phân lịch cụ thể cho từng đơn vị dùng nước để nắm bắt, điều tiết hợp lý. Phối hợp với các địa phương kiểm tra, xác định cụ thể diện tích các xứ đồng cao, xa nguồn nước, cuối kênh mương… khảo sát những vị trí có nguồn nước để đặt máy bơm khi xảy ra khô hạn. Ông Lê Văn Thân, Trưởng trạm Thủy nông kênh Nam cho biết: Qua khảo sát thực địa trong vùng tưới của trạm, chúng tôi đã lập phương án chống hạn cụ thể cho từng xứ đồng. Hiện tại, ở Trạm bơm Đồng Bò đã chuẩn bị 5 máy bơm, trong trường hợp khô hạn sẽ vận hành các máy bơm này bơm trực tiếp nước từ sông Đồng Bò bổ sung vào hệ thống kênh chính nam để chống hạn cho các xứ đồng cuối kênh thuộc xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Thành, Hòa Bình 1, Hòa Tân Đông, Hòa Vinh và phường Phú Lâm. Tại Trạm bơm chống hạn Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) có 3 máy bơm sẽ phục vụ bơm nước từ bầu Hương bổ sung cho kênh N2 chống hạn cho diện tích lúa ở xã Hòa Đồng và Hòa Mỹ Đông. Ngoài ra, trạm cũng đã lên phương án lắp đặt một số trạm bơm dã chiến tại cầu máng Bầu Quay, xã Hòa Mỹ Tây bơm bổ sung nước cho kênh N2-2 chống hạn cho cánh đồng các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông; lắp trạm bơm trên sông Bàn Thạch để bơm nước nguồn từ dòng sông này tiếp nước cho đồng Phẩn và đồng Đông Xuân thuộc xã Hòa Vinh… Phía hệ thống kênh bắc, Công ty Thủy nông Đồng Cam cũng có kế hoạch vận hành Trạm bơm Hòa Định Đông với 6 máy bơm lấy nước từ sông Ba tiếp cho kênh chính bắc, N3, trạm bơm Phú Vang… Trong trường hợp xảy ra hạn nặng sẽ lập trạm bơm dã chiến tại xi phông Bến Lội, xã Hòa Trị (Phú Hòa); sử dụng các máy bơm dầu và huy động thêm máy bơm của các HTX để bơm nước bổ sung cho hệ thống Tam Giang để chống hạn cục bộ xảy ra ở các khu đồng cao, xa nguồn tưới.
Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty Đồng Cam cho biết: Trong vụ sản xuất lúa hè thu năm nay, dự kiến công ty sẽ phải phục vụ tưới cho khoảng 14.500ha lúa trong tổng số 23.000ha của tỉnh. Tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, lượng nước tích được tại các nhà máy thủy điện trên sông Ba giảm đáng kể so với mọi năm, công ty đã chủ động đề nghị một số địa phương có diện tích trồng lúa ở cuối kênh tưới, không có nguồn nước bổ sung khi xảy ra hạn, tích cực vận động bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn. Cụ thể, trên hệ thống kênh bắc, công ty đề nghị các xã Bình Ngọc, An Phú, Bình Kiến (TP Tuy Hòa), An Chấn (Tuy An) chuyển đổi 26ha đất canh tác lúa sang trồng các loại hoa màu khác. Trên hệ thống kênh nam, công ty đã đề nghị tạm thời chuyển đổi không trồng lúa trong vụ hè thu này tại một số xứ đồng như: đồng Đá Dựng ở xã Hòa Bình, đồng Bầu Dứt thuộc xã Hòa Đồng (Tây Hòa), đồng Gò Da, Móc Đá, Bầu Hữu, Rộc Chùa thuộc xã Hòa Thành Đông (Đông Hòa)…
ĐẢM BẢO LỢI NHUẬN CỦA NÔNG DÂN
Nhằm khuyến khích các hộ dân có diện tích canh tác lúa ở khu vực cuối nguồn, thường xuyên bị khô hạn ở các mùa vụ trước, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương có cơ chế hỗ trợ cho bà con để họ thực hiện việc chuyển đổi cây trồng. Trong vụ hè thu năm nay các địa phương sẽ trích kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ chi phí mua giống các loại cây trồng chịu hạn hỗ trợ cho bà con. Ông Nguyễn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, vụ hè thu năm nay khả năng sẽ xảy ra hạn nặng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Vì vậy HTX có vận động chúng tôi chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác như đậu, bắp, khổ qua… Gia đình tôi dự kiến vụ này sẽ chuyển mấy sào lúa sang trồng khổ qua, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên rất mong được ngành Nông nghiệp quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm bón để đạt được hiệu quả.
Ông Trần Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Tây An Phú cho biết: “Vụ hè thu năm nay, Công ty Đồng Cam có yêu cầu HTX chuyển đổi 22ha trồng lúa sang trồng hoa màu khác. Tuy nhiên qua rà soát, kiểm tra lại chúng tôi có kiến nghị chỉ chuyển đổi được 11ha diện tích lúa ở các khu vực gò cao, gần bàu để tận dụng nguồn nước này bơm tưới cho hoa màu và không sợ ngập úng khi trời mưa, số diện tích còn lại ở xa nguồn nước tưới, lại ở vị trí trũng thấp rất dễ bị ngập úng, thất thu nếu gặp thời tiết bất lợi”.
Theo nhiều nông dân, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng chịu hạn trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay là cần thiết, tuy nhiên việc chuyển đổi phải đảm bảo ít rủi ro và ổn định nguồn thu của bà con so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, khả năng vụ hè thu năm nay sẽ xảy ra hạn nặng, ngành Nông nghiệp đã có chủ trương yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, vận động các hộ dân chuyển đổi các diện tích canh tác lúa có khả năng bị khô hạn sang trồng các loại cây hoa màu chịu hạn như bắp, đậu các loại… Việc chuyển đổi phải được thực hiện trên tinh thần bảo đảm nguồn lợi của người nông dân, diện tích chuyển đổi phải ở khu vực cao ráo, không ngập úng nếu gặp mưa, các địa phương xây dựng mô hình sản xuất luân canh cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tổ chức tập huấn hướng dẫn bà con thực hiện.
T.HƯƠNG - N.NHƯ