Hiện nay, ở các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa), phong trào nuôi cút đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, do phát triển tràn lan, nhiều người nuôi cút đang tự làm khó mình.
Với việc tăng đàn đồng loạt, người dân nuôi cút đang tự làm khó mình - Ảnh: T.HÀ
PHÁT TRIỂN Ồ ẠT
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, hiện nay, trên địa bàn huyện Đông Hòa có khoảng 200 đến 300 hộ dân tham gia nuôi cút với số lượng lúc cao điểm lên đến 650.000 con. Trong đó, đàn cút tập trung chủ yếu ở 2 xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung; các xã còn lại có nuôi nhưng với quy mô nhỏ hơn. Nếu tính trung bình, một con cút đẻ được khoảng 300 trứng/năm, thì mỗi năm, người nuôi cút huyện Đông Hòa cung cấp ra thị trường hàng trăm triệu trứng cút. Thông thường, nếu cút khỏe mạnh, đẻ tốt sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Cá biệt, có những thời điểm giá trứng cút tăng cao, người nuôi cút có lãi lớn. Với 10.000 con cút trong giai đoạn đẻ trứng, mỗi ngày người nuôi bỏ ra khoảng 2,7 triệu đồng (cho 10 bao cám loại 25kg/bao) tiền thức ăn và thu vào 8.000 đến 8.500 trứng cút. Với giá trứng cút 4.700 đồng/chục như thời điểm vừa qua, người nuôi khi trừ mọi chi phí có thể lãi gần 500.000 đồng/ngày. Đây là khoản lợi nhuận đáng kể để nhiều người dân đổ xô vào đầu tư nuôi cút.
Bà Huỳnh Thị Chiến (thôn Phú Hiệp 2, xã Hòa Hiệp Trung) là một người nuôi cút lâu năm cho biết: “Người dân chuộng con cút bởi đây là vật nuôi ít dịch bệnh, quay vòng nhanh (cút nuôi từ 40 đến 42 ngày đã có thể đẻ), và có thể xả đàn hoặc tăng đàn theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, chính việc chạy theo thị trường, lúc khó thì bỏ, lúc giá trứng tăng cao lại đồng loạt cho tăng đàn lại là nguyên nhân chính gây khó cho người nuôi cút.
Việc tăng đàn cút một cách tự phát với số lượng lớn đã khiến nhiều người nuôi cút gặp khó khăn. Anh Trần Quốc Thiên, nguyên là cán bộ thú y xã Hòa Hiệp Trung cho biết: “Mô hình nuôi cút ở xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc đã có từ năm 1990 nhưng chỉ mới phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Ban đầu, chỉ có vài hộ gia đình nuôi, sau thấy hiệu quả nên người dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và phát triển đàn cút lên đến mức chóng mặt. Ở xã Hòa Hiệp Bắc, những hộ gia đình có nghề làm biển thì theo nghề, còn những người làm nông thì 10 nhà đã có đến 7 nhà nuôi cút. Có điều, tôi nhận thấy nhiều người nuôi cút còn chịu nhiều rủi ro. Bởi, khi bắt đầu nuôi, họ cũng chủng ngừa bằng vắc xin, cũng chăm sóc cẩn thận, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhưng cút vẫn cứ bệnh. Vì vậy, việc tăng nhanh số lượng đàn cút khi chưa có một biện pháp phòng trừ, khống chế dịch bệnh hiệu quả cũng như chưa tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ cút, là sự phát triển thiếu tính bền vững”.
RƠI VÀO VÒNG LUẨN QUẨN
Từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, giá trứng cút trên thị trường không ngừng tăng. Từ mức giá 4.000 đồng/chục hồi đầu năm, giá trứng cút đã nhảy vọt lên 4.700 đồng/chục. Người dân các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc thấy nuôi cút có lãi nên ồ ạt tăng đàn khiến chỉ tháng sau đó, trứng cút ứ đọng, giá cả sụt giảm nghiêm trọng. Hiện tại, giá trứng cút ở mức 3.000 đến 3.500 đồng/chục và người nuôi bị thua lỗ. Trong thời gian tới, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, người nuôi cút lại phải cho xả đàn hoặc bỏ bê không chăm sóc. Cái vòng luẩn quẩn tăng giá thì tăng đàn, đến khi giảm giá thì bỏ bê và khi giá trứng tăng trở lại thì tăng đàn… không chỉ mới diễn ra những năm gần đây.
Lý giải về vấn đề trên, ông Trương Văn Tòng, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết, hễ giá trứng cút sụt giảm là nhiều người dân bắt đầu cắt giảm thức ăn, bỏ bê chăm sóc, không chú ý đến thuốc men dẫn đến đàn cút suy yếu dần. Đến khi giá trứng cút tăng lên thì con cút lại bước vào thời điểm phải xả đàn thay lứa mới (thường thời gian đẻ của cút chỉ trong 8 đến 9 tháng). Để bù lỗ, nhiều người nuôi cho duy trì đàn cút đã “quá hạn” để bán trứng với giá cao. Điều này, dẫn đến tỉ lệ đẻ trên đàn cút thấp mà tỉ lệ hao hụt lại cao; đồng thời, sức đề kháng của đàn cút bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc này, chỉ cần gặp thời tiết bất lợi, bệnh trên cút sẽ xảy ra. Khi cút bệnh, người dân lại phải xả đàn đột ngột với số lượng lớn và giá trứng cút lại bị đẩy lên cao do khan hiếm. Chính vì không tìm được hướng đi đúng nên nghề nuôi cút dù được cho là phù hợp với điều kiện khí hậu ven biển các xã Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc song vẫn chưa thể giúp cho nhiều người dân nơi đây phát triển nghề bền vững.
Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc phát triển đàn cút tràn lan không phải là hướng đi đúng nên đã vận động người dân không nên tăng đàn ồ ạt. Thế nhưng, vận động chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài, cần phải có sự quy hoạch cụ thể như tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi tập trung để có thể kiểm soát, khống chế, khoanh vùng khi có dịch bệnh xảy ra; tạo điều kiện cho các hộ cùng nhau phát triển, giảm chi phí trong chăn nuôi tăng khả năng cạnh tranh; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Chỉ khi làm được điều này, người dân mới có thể yên tâm đầu tư để phát triển con cút.
THÁI HÀ