Cuối tháng 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ 1% các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn cũng được giảm xuống 7,5%/năm. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay và đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vấn đề lãi suất không còn là yếu tố quyết định để tháo gỡ khó khăn.
Những doanh nghiệp có thị trường, đầu ra ổn định là nơi để ngân hàng “gửi vốn” - Ảnh: LÊ HẢO
SẴN SÀNG CUNG ỨNG VỐN GIÁ RẺ
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh áp dụng lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9-12%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức 12-15%/năm. Các nhóm đối tượng ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay với lãi suất trần 11%/năm; cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm, tôm với mức tối đa không quá 11%/năm. Ngoài ra, mỗi ngân hàng đều áp dụng các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp 8-10% cho các nhóm ngành, đối tượng đáp ứng đủ điều kiện do ngân hàng quy định.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Hiện ngân hàng không thiếu vốn và sẵn sàng cung ứng vốn giá rẻ cho những khách hàng có nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, mặc dù Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay 11%/năm đối với các nhóm ưu tiên nhưng doanh nghiệp tốt, sử dụng nhiều dịch vụ của VietinBank Phú Yên có thể được vay với lãi suất 8-9%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng còn cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để kích thích sức mua trên thị trường. Ông Lĩnh cho biết thêm: “Đối với các khách hàng khó khăn, ngân hàng đã tạo điều kiện giải chấp hàng tồn kho, cho vay mới để doanh nghiệp có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc duy trì quan hệ tín dụng với những khách hàng cũ, bình quân mỗi tháng, VietinBank Phú Yên phát triển thêm gần 50 khách hàng mới với dư nợ bình quân 1 tỉ đồng/khách hàng”.
Chi nhánh Phú Yên của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước khác như Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng cung cấp nhiều gói tín dụng giá rẻ, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trên địa bàn tỉnh lại tập trung vào các gói tín dụng ưu đãi cho vay tiêu dùng, mua, xây, sửa chữa nhà, cho vay cán bộ công nhân viên… Hiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Phú Yên cho vay mua - xây - sửa chữa nhà với lãi suất 9,9%/năm trong 2 tháng đầu tiên; sau đó, lãi suất được áp dụng bằng lãi suất huy động cộng với 2% trong 10 tháng tiếp theo và cộng 4% từ năm thứ 2 trở đi. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Phú Yên cho vay tiêu dùng thế chấp dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất cố định trong 12 tháng đầu tiên là 14%/năm, cố định trong 6 tháng đầu tiên 13,5%/năm…
Ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn giá rẻ cho khách hàng đủ điều kiện vay - Ảnh: LÊ HẢO
KỲ VỌNG VÀO CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Agribank Phú Yên, trong vòng 1 năm qua, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, góp phần hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện “sức khỏe” của phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa hồi phục nên khả năng hấp thụ vốn còn hạn chế. “Hiện ngân hàng cần tăng trưởng dư nợ nhưng không thể đẩy vốn ra với bất cứ giá nào. Thời điểm này, chúng tôi phải “chọn mặt gửi vốn” để tránh những hệ lụy không mong muốn”, ông Mẫn nói.
Giám đốc VietinBank Phú Yên Đặng Hồng Lĩnh cũng cho biết: Trước đây, vì đua nhau chạy theo chỉ tiêu dư nợ, các ngân hàng đã cạnh tranh hạ chuẩn tín dụng để cho vay ồ ạt. Hậu quả là tỉ lệ nợ xấu tăng cao, các tổ chức tín dụng lãnh bài học đau đớn. Đến nay, chính các ngân hàng cũng phải cơ cấu lại hoạt động của mình, tiết giảm chi phí, cố gắng thu hẹp chênh lệch đầu vào - đầu ra để đồng hành cùng doanh nghiệp. Thời điểm này, ngân hàng không đặt nặng vấn đề lãi suất mà điều quan tâm là sức cầu của nền kinh tế. Chỉ khi nào nền kinh tế bắt đầu phục hồi, ngân hàng và doanh nghiệp mới dễ dàng tìm được tiếng nói chung.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ nhưng từ đầu năm đến nay, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở Phú Yên vẫn âm. Nguyên nhân là do sức cầu nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, chỉ hạ lãi suất không thôi là chưa đủ. Chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, bao gồm cả xử lý nợ xấu, giảm giãn thuế, cải cách thủ tục hành chính, kích cầu tiêu dùng… Ông Hàn cho biết: Hiện dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm khoảng 60% tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp Phú Yên có năng lực tài chính và quản trị yếu, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn ngân hàng nên khi gặp khó khăn, những doanh nghiệp này sẽ khó trụ vững qua sóng gió. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh một lượng lớn doanh nghiệp giải thể, phá sản thì cũng có nhiều doanh nghiệp mới ra đời. Đây là cơ hội cho các ngân hàng thương mại chuyển từ thăm dò sang tìm hướng đi mới để tiếp cận doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, còn dư nợ, ngân hàng tích cực hỗ trợ, tiếp tục đầu tư để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên cũng đang kỳ vọng vào động lực từ khu vực đầu tư nhà nước. Thời gian tới, khi một số dự án trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh như hầm đường bộ qua đèo Cả, nhà máy lọc dầu Vũng Rô, các doanh nghiệp ở vùng vệ tinh sẽ có điều kiện phát triển theo; đặc biệt là những đơn vị thuộc ngành xây dựng, phục vụ hạ tầng dự án, công nghiệp hỗ trợ… Nếu nhận thấy tình hình khởi sắc, ngành Ngân hàng Phú Yên sẵn sàng chung tay, đầu tư tín dụng để các doanh nghiệp phát triển.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, tính đến nay, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hơn 10.300 tỉ đồng, giảm khoảng 2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam với lãi suất dưới 10%/năm khoảng 200 tỉ đồng; cụ thể, Vietcombank Phú Yên 79 tỉ đồng, VietinBank Phú Yên 66 tỉ đồng, BIDV Phú Yên 42 tỉ đồng… Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam lãi suất 10-13%/năm khoảng 2.370 tỉ đồng; cụ thể, Agribank Phú Yên 930 tỉ đồng, VietinBank Phú Yên 517 tỉ đồng, Vietcombank Phú Yên 464 ti đồng. |
LÊ HẢO