Đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch xong lúa đông xuân 2012-2013 với năng suất bình quân 67,3 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái 4,1 tạ/ha. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân năm nay sản xuất trong điều kiện thời tiết có nhiều mặt bất lợi nhưng đây là vụ lúa được mùa nhất trong vòng 5 năm qua.
Tham quan mô hình trồng lúa PC6 tại xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa - Ảnh: H.NAM
NĂNG SUẤT CAO
Bước vào sản xuất vụ đông xuân 2012-2013, thời tiết diễn biến bất lợi. Đầu vụ, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường và ảnh hưởng bão số 1 gây mưa vừa đến mưa to, nhiều diện tích lúa mới gieo sạ bị hư hại, 1.716ha trong tổng số 26.723ha bị ngập úng, phải gieo sạ lại 197ha. Vào giữa vụ sản xuất, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới có mưa nhỏ kéo dài đã làm trên 2.755ha lúa bị ngập (Tây Hòa 1.105ha, Đông Hòa 1.650ha). Vào cuối vụ có mưa trên diện rộng làm lúa bị đổ ngã, khó gặt bằng cơ giới hóa, tăng chi phí khâu thu hoạch... Mặc dù thời tiết gây bất lợi cho vụ sản xuất, nhưng Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương tuân thủ gieo sạ đúng lịch thời vụ và đưa các giống lúa chủ lực ML 213, ML 68, ML 48, ML 202, ML 49, ML 4-2, các giống bổ sung ML 216, OM 2695-2, ĐV 108, DH 815-6 và một số giống lúa lai TH3-3, Syn 6, Xuyên Hương 178… vào sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng; áp dụng sạ hàng sạ thưa, chương trình “1 phải, 5 giảm” do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chuyển giao và tăng cường phòng trừ sâu bệnh nên năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 67,3 tạ/ha, tăng 4,1 tạ/ha, sản lượng đạt 179.927 tấn, tăng 13.338 tấn so với đông xuân năm trước.
Đặc biệt, vụ đông xuân này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa sử dụng nguồn kinh phí khuyến nông đã triển khai cánh đồng lúa mẫu lớn, quy mô 80ha, lợi nhuận thu được cao hơn giống đối chứng trên 5 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho hay, ngoài mô hình do trung tâm triển khai, các huyện khác như Đồng Xuân, Tuy An... cũng tổ chức sản xuất lúa giống quy mô từ 3 đến 5ha, không những thu được lợi nhuận cao hơn mà còn cung ứng một giống lúa cho sản xuất lúa vụ hè thu đến.
Mặt khác, việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa được nhân rộng, ước tính trong vụ đông xuân 2012-2013 diện tích thu hoạch cơ giới hóa trên 60%, trong đó các địa phương có tỉ lệ diện tích thu hoạch bằng cơ giới cao là các huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa và TP Tuy Hòa nên hạn chế thất thoát trong thu hoạch.
KHẢO NGHIỆM GIỐNG LÚA MỚI
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ năm 2000 đến nay nhiều địa phương đã liên tục sản xuất, lai tạo, khảo nghiệm giống mới, lúa chất lượng cao, qua đó đã tuyển được một số giống lúa có nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương. Công tác này giúp đa dạng hóa nguồn giống, bổ sung bộ giống chủ lực trong cơ cấu giống của tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chuyển đổi cơ cấu giống tiến tới sử dụng các loại giống chất lượng cao để sản xuất đại trà nhằm nâng cao giá trị hạt gạo và đem lại lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, số HTX áp dụng giống lúa mới như trên còn ít vì nhiều HTX đang gặp khó khăn về kinh phí. Giống lúa thuần tại địa phương ML 68 hiện đã thoái hóa, tỉ lệ lẫn tạp chiếm 85%, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp.
Ngành Nông nghiệp tỉnh vận động nông dân sử dụng các loại giống lúa mới và áp dụng sạ hàng, sạ thưa để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Trong vụ đông xuân 2012-2013, các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT và các địa phương phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp triển khai nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về giống lúa. Cụ thể, Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình phối hợp với Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, Phòng NN-PTNT các huyện Tây Hòa, Phú Hòa trồng giống lúa mới ngắn ngày PC6 có chất lượng cao. Kết quả, năng suất 81 đến 82tạ/ha, tăng 10 đến 12 tạ/ha so với giống lúa đối chứng ML 68. Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa Phan Khánh đánh giá: “Mô hình thực hiện trên cánh đồng Trổ Đó của xã Bình Kiến cho thấy lúa vượt trội hơn các giống lúa khác, hạt sáng, đóng thóc dày. Khi lúa gần giai đoạn trổ đòng, ruộng đối chứng bị bệnh đạo ôn, riêng lúa PC6 không bị bệnh. Lợi nhuận cao hơn so với lúa đối chứng 848.000 đồng/sào. Vụ hè thu này, chúng tôi tiếp tục đưa vào trồng khảo nghiệm”. Tương tự, nông dân xã Hòa Hiệp Bắc (Đông Hòa) và xã An Thạch (Tuy An) sản xuất lúa Hoa Ưu 109 vui mừng trước chất lượng và năng suất của giống lúa thuần này, bởi trải qua 2 lần ngập lụt kéo dài nhưng năng suất đạt 75 tạ/ha, cao hơn lúa đối chứng 8 tạ/ha.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hiệu quả kinh tế trồng lúa chưa cao do nhiều nông dân sạ dày, dùng lúa thịt làm giống… Vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện khảo nghiệm các giống lúa mới để đánh giá khả năng thích ứng, từ đó làm phong phú thêm các chủng loại giống lúa có chất lượng cao để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh”.
MẠNH HOÀI NAM