Trước tình hình báo động cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tích cực triển khai phương án phòng, chống cháy rừng, trong đó tập trung vào các đối tượng phát, đốt thực bì rẫy, đồng ruộng trong và ven rừng; đồng thời triển khai lực lượng sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố.
Dập lửa trong một vụ cháy hơn 100ha rừng trồng xảy ra vào tháng 7/2011 tại huyện Phú Hòa - Ảnh: PV
CHỈ DỰ ĐOÁN NGUYÊN NHÂN GÂY CHÁY RỪNG
Ngoài chủ quan trong quá trình đốt thực bì làm rẫy để lửa cháy lan, việc dùng lửa để bắt ong, nấu ăn trong rừng... cũng là những nguy cơ cao dẫn đến cháy rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ý thức bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng của một bộ phận người dân ở các huyện miền núi còn nhiều hạn chế; nạn phát, đốt rừng trái phép, sử dụng lửa trong và ven rừng thiếu an toàn còn diễn ra thường xuyên, vượt quá khả năng kiểm soát của ngành chức năng. Trong khi đó, các chế tài và hình thức xử lý vi phạm đối với những trường hợp vi phạm lâm luật chưa nghiêm... dẫn đến nguy cơ cháy, mất rừng trong mùa nắng nóng luôn ở mức cao.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ 2005 đến 2012, toàn tỉnh chỉ xảy ra 16 vụ cháy, gây thiệt hại hơn 450ha rừng. Khu vực thường xảy ra cháy là rừng trồng xã Phú Mỡ (Đồng Xuân). Thời gian xảy ra cháy thường từ 7g đến 16g hàng ngày và diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Riêng trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy, thiệt hại hơn 105ha rừng trồng, trong đó huyện Đồng Xuân có 7 vụ, thiệt hại hơn 80ha. Vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra vào đầu tháng 5/2013 tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Ea Trol (Sông Hinh), gây thiệt hại 20ha rừng trồng nhiều năm tuổi. Điều đáng nói là hầu hết các vụ cháy rừng đều không xác định được đối tượng, các ngành chức năng và địa phương chỉ đưa ra dự đoán: “Các khả năng gây cháy rừng là do người dân thiếu trách nhiệm, vô ý thức trong sử dụng lửa”.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG, SẴN SÀNG CHỮA CHÁY
Hiện nay ở cấp huyện đã có Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng (Ban chỉ huy PCCCR), gồm Hạt Kiểm lâm, các phòng NN-PTNT, TN-MT, Tài chính, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và lực lượng vũ trang, do phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban chỉ huy PCCCR cấp xã gồm cán bộ quản lý lâm nghiệp, công an, xã đội, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, các tổ đội quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Mỗi tổ có từ 5 đến 10 người làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng, đóng vai trò nòng cốt trong chữa cháy rừng tại chỗ.
Theo quy định, Ban chỉ huy PCCCR các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, UBND cùng cấp trong việc theo dõi, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và PCCCR thuộc địa bàn quản lý. Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện mỗi Hạt Kiểm lâm đều được trang bị 1 máy bơm chữa cháy chuyên dụng, 1 máy phát điện, 1 bồn chứa nước, 10 bình chữa cháy đeo vai và xách tay, 2 bình chữa cháy có gắn động cơ, 2 máy cắt thực bì, 3 máy thổi gió, 1 máy định vị GPS và các dụng cụ thô sơ khác… sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng trong tầm kiểm soát. Trên cơ sở các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng đã được trang bị, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã cụ thể hóa các hoạt động nghiệp vụ PCCCR cho các đơn vị kiểm lâm cơ sở và các chủ rừng để họ thực hiện tốt các quy định an toàn về PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Trong tình hình nắng nóng hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện công điện khẩn của Bộ NN-PTNT và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp PCCCR trong mùa khô, trong đó tập trung cảnh giác cao độ các địa bàn có chiều hướng gia tăng về số vụ cháy.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác tuyên truyền PCCCR năm nay được các đơn vị kiểm lâm triển khai quyết liệt với nhiều hình thức, trong đó chú trọng tuyên truyền đến nhân dân thông qua các buổi họp thôn buôn ở các huyện miền núi. Tính riêng trong tháng 4 vừa qua, ngành Kiểm lâm đã tổ chức 37 đợt tuyên truyền trực tiếp về PCCCR cho hơn 2.200 người dân; vận động 14 hộ gia đình sống và sản xuất gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR; tuyên truyền, vận động 14 đối tượng thường xuyên khai thác gỗ, đốt than, vận chuyển lâm sản cam kết bỏ nghề. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, Công ty cổ phần Trường Thành Xanh, các ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu và Sơn Hòa khẩn trương triển khai các phương án PCCCR trên cơ sở khắc phục yếu kém, tồn tại, nhằm chủ động ngăn chặn, chữa cháy rừng hiệu quả.
Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cảnh báo, hiện Phú Yên là một trong những tỉnh có nguy cơ cháy rừng cấp 5. Nếu xảy ra cháy, rừng rất dễ bắt lửa với tốc độ cháy lan nhanh. |
PHƯƠNG NAM