Thứ Bảy, 05/10/2024 08:33 SA
Nỗ lực phòng, chống cháy rừng ở Đồng Xuân
Thứ Năm, 25/04/2013 08:40 SA

Những năm gần đây, huyện Đồng Xuân đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng lớn. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với ngành lâm nghiệp xây dựng phương án, triển khai các biện pháp phòng, chống cháy trong điều kiện nhân lực, phương tiện còn nhiều khó khăn.

 

CCR130425.jpg

Chi cục Kiểm lâm tổ chức diễn tập PCCCR cho lực lượng kiểm lâm các địa phương - Ảnh: P.V

NHIỀU VỤ CHÁY RỪNG

 

Huyện Đồng Xuân có 33.300ha đất rừng, trong đó diện tích rừng trồng chiếm gần 10.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và Xuân Lãnh. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã xảy ra cháy rừng lớn, chủ yếu là rừng trồng. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, năm 2010, tại các tiểu khu 50 và 52 thuộc địa bàn xã Phú Mỡ xảy ra vụ cháy 250ha rừng phòng hộ đầu nguồn nhiều năm tuổi. Năm 2011, cũng tại địa bàn xã Phú Mỡ, xảy ra cháy hơn 211ha rừng keo và dầu rái thuộc dự án 661, do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân quản lý. Trong năm 2012, liên tiếp xảy ra 7 vụ cháy gây thiệt hại hơn 80ha rừng trồng, chủ yếu ở địa bàn các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và Xuân Lãnh; trong đó, vụ cháy rừng trồng lớn nhất tại tiểu khu 114 thuộc thôn Đồng Hội, xã Xuân Quang 1, thiêu rụi 37ha keo từ 3-4 năm tuổi của Công ty TNHH Bình Nam.

 

Theo ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, mặc dù các vụ cháy được phát hiện sớm, nhưng hầu hết khu vực xảy ra cháy nằm cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, địa hình hiểm trở nên khi lực lượng chữa cháy tiếp cận được hiện trường thì đám cháy đã lan rộng. Trong khi đó, dụng cụ phục vụ chữa cháy chỉ có dao, rựa và cành cây nên việc dập lửa hết sức khó khăn. Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho biết thêm, hàng năm đơn vị đều chủ động triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và khoanh vùng trọng điểm thường xảy ra cháy. Tuy nhiên, do thời tiết khô hanh, phần lớn rừng trồng đang trong giai đoạn rụng lá, gặp phải người dân đốt rừng làm rẫy, bắt ong, vứt tàn thuốc… dẫn đến thực bì, lá rừng khô bắt lửa gây cháy lớn. Tuy mới bước vào mùa khô nhưng thời tiết đang chuyển sang giai đoạn nắng nóng, rất dễ xảy ra cháy rừng. Biện pháp dập lửa vẫn là phát băng khoanh vùng, khống chế cháy lan.

 

NỖ LỰC PHÒNG, CHỐNG TRONG ĐIỀU KIỆN KHÓ KHĂN

 

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, mặc dù đơn vị này đã được trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng như các loại máy bơm nước chuyên dụng, phát điện, bồn chứa nước, bình chữa cháy và máy thổi gió… Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, rừng lại nằm ở trên cao, cách xa khu dân cư và đường giao thông nên các phương tiện chuyên dụng không phát huy hết tác dụng vì vận chuyển khó khăn. Trong khi đó, vào mùa khô hanh, các con sông, suối đều khô kiệt nên không thể lấy nước để ứng cứu. Vì vậy, biện pháp dập lửa duy nhất chỉ còn cách dùng dao, rựa, cành cây và các phương tiện thô sơ khác.

 

Theo ông Vũ Công Tâm, để hạn chế tối đa cháy rừng, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, nhất là những hộ gia đình sống gần rừng. Các doanh nghiệp và cá nhân trồng rừng phải chủ động tăng cường lực lượng canh coi thường xuyên tại cửa rừng và các khu vực dễ xảy ra cháy, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9; lực lượng kiểm lâm được bố trí ứng trực tại cửa rừng để kịp thời phát hiện, chủ động phối hợp các ngành liên quan, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng dập lửa cứu rừng.

 

Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, huyện Đồng Xuân nằm trong khu vực địa hình không bằng phẳng, bị chia cắt bởi các sông, suối và đồi núi thấp nhấp nhô; thời tiết khô hạn kéo dài, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các đợt gió Tây Nam khô hanh; hệ thống ao hồ, sông suối phân bố không đều; đa số rừng trồng thuần loài, hỗn loài với các loài cây dễ cháy và đất trống chủ yếu là lau lách, tranh, cỏ... nên nguy cơ cháy rừng rất cao và rất khó phòng, chống. Ngày 22/4, Cục Kiểm lâm cảnh báo, các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cháy rừng cấp 4 (cấp nguy hiểm) gồm toàn tỉnh Phú Yên và TP Đà Nẵng; các khu vực Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn của tỉnh Sơn La. Cục Kiểm lâm đề nghị UBND các cấp và đơn vị chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm và đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh chủ động lên phương án phòng, chống cháy, sẵn sàng phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tham gia chữa cháy rừng hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

 

Theo Sở NN-PTNT, trong năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 105ha rừng trồng, trong đó nhiều nhất là huyện Đồng Xuân với 7 vụ (thiệt hại 80,3ha); Tuy An 1 vụ (thiệt hại 6,8ha); Tây Hòa 1 vụ (thiệt hại 11ha); Phú Hòa 4 vụ (thiệt hại 7,5ha). Các vụ cháy xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận dân cư sử dụng lửa bừa bãi, mất an toàn.

 

PHƯƠNG NAM - MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek