Thời gian gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Ngoài những lợi ích mang lại, việc khai thác khoáng sản cũng gây không ít hệ lụy về môi trường, an toàn lao động và thất thoát tài nguyên.
Theo Bộ TN-MT, hiện cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do Nhà nước quản lý, khai thác nhưng mới chỉ mang về chưa đến 3,5% GDP. Trong khi đó, các hoạt động khai thác khoáng sản gây tác động rất lớn tới diện tích rừng, do phải chuyển đổi mục đích phục vụ khai thác. Còn theo Bộ NN-PTNT, từ 2008-2011, cả nước đã chuyển mục đích sử dụng hơn 11.300ha rừng, đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc kịp thời hoàn phục môi trường, trồng lại rừng tại các khu vực kết thúc khai thác gần như chưa được quan tâm.
Về việc giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường; thời gian dự án kéo dài, thủ tục hành chính phiền hà và qua nhiều công đoạn; năng lực nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế... Do nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái. Các khu mỏ đang khai thác hiện nay hầu hết nằm ở vùng núi và trung du, cùng với công nghệ khai thác hiện nay chưa hợp lý, nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí... gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch...
Hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường trong khai thác và sử dụng khoáng sản Việt Nam đòi hỏi phải quan tâm đến các khía cạnh: Hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến; điều tra chi tiết, quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, không xuất thô các loại nguyên liệu khoáng, tăng cường tinh chế và tuyển luyện khoáng sản; đầu tư kinh phí xử lý chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản như chống bụi, chống độc, xử lý nước thải, quy hoạch xây dựng các bãi thải. Và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, với các nội dung như: tập trung thanh tra, kiểm tra việc khai thác khoáng sản, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; rà soát, hoàn thiện các quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định đầy đủ kinh phí cho các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường, làm rõ phương án, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản.
PHƯƠNG MINH (tổng hợp)