Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4 đã đảo chiều tăng nhẹ 0,02% và là mức tăng thấp nhất so với các tháng 4 kể từ năm 2004 đến nay.
Ảnh: TTXVN
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/4 cho thấy: CPI tháng 4 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 6,61% so với tháng 4/2012. Với mức tăng nhẹ này, CPI bốn tháng qua chỉ tăng 2,41% so với tháng 12/2012 và tăng 6,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. CPI tháng 4 tăng ở 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,05-3,62%; trong đó, tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhóm giáo dục.
Vụ trưởng vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho biết: Mặc dù cả hai thành phố chiếm trọng số lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có CPI tháng 4 giảm nhưng CPI chung cả nước vẫn có mức tăng nhẹ là nhờ sức đẩy về giá chủ yếu đến từ hai nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu gồm: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,62%, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%; giao thông tăng 1,2%. Trong tháng 4, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế khiến cho nhóm này có mức tăng giá cao nhất và đóng góp vào CPI chung cả nước 0,2%.
Cùng với dịch vụ y tế, việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 28/3, sau đó ngày 9/4 được điều chỉnh giảm và chốt lại ở mức tăng bình quân 2,21%. Theo đó, giá vé ô tô khách và giá vé tàu thủy cũng được điều chỉnh tăng theo giá xăng dầu với mức tăng lần lượt là 1,01% và 6,08%. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu và dịch vụ vận tải đã đóng góp 0,08% vào mức tăng CPI chung.
Tuy nhiên, CPI tháng 4 chỉ tăng nhẹ là nhờ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm trọng số lớn nhất (gần 40%) trong Rổ hàng hóa chung tiếp tục giảm giá 0,91% khi nguồn cung lớn hơn nhu cầu tiêu dùng; trong đó lương thực giảm 0,86%, thực phẩm giảm 1,24%.
Hiện giá lúa gạo thường tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp giảm từ 500 -1.000 đ/kg, giá gạo tẻ thường miền Bắc giảm 100-200 đồng/kg sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân với sản lượng lớn nhưng giá gạo xuất khẩu lại sụt giảm từ 10-20 USD/tấn do giá gạo châu Á giảm.
Cùng với lương thực, giá thực phẩm trong tháng cũng có mức giảm mạnh. Đơn cử thịt lợn giảm 3,02%, thịt gia cầm tươi sống giảm 2,36% so với tháng trước khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch lợn tai xanh, dịch cúm H5N1 đang bùng phát ở một số tỉnh, thành. Theo đó, giá thịt chế biến giảm 1,49%; giá trứng các loại giảm 1,55%. Giá các mặt hàng thủy hải sản cũng giảm gần 1% do thời tiết khá thuận lợi cho việc đánh bắt, giá rau tươi tiếp tục giảm mạnh 2,79% nhờ sản lượng thu hoạch nhiều.
Nhận định về xu hướng biến động trong tháng tới, ông Thắng cho biết: Mặc dù tháng 5 tới có ngày nghỉ lễ khá dài nhưng tình hình kinh tế vẫn chưa hết khó khăn, người tiêu dùng vẫn có xu hướng tiết giảm chi tiêu, nhất là các khoản vui chơi, giải trí du lịch và mua sắm các món hàng xa xỉ đắt tiền. Vì vậy, CPI tháng 5 cũng sẽ chỉ tăng ở mức rất nhẹ tương tự như mức tăng của tháng 4.
Trong tháng 4, giá vàng tiếp tục giảm mạnh 2,56% theo giá vàng thế giới nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới đã quy đổi khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Ngược chiều với vàng, giá USD trên thị trường tiếp tục tăng 0,01%. Giá USD ở thị trường không chính thức bình quân 21.050 VND/USD trong khi giá USD liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố vẫn giữ ổn định ở mức 20.828 VND/USD suốt thời gian qua.
Theo TTXVN