Thứ Ba, 01/10/2024 08:40 SA
Hỗ trợ người nghèo cách làm ăn bằng mô hình nuôi cá nước ngọt
Chủ Nhật, 28/01/2007 14:00 CH

Từ năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư Phú yên được tỉnh cấp 50 triệu đồng/năm để hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân nghèo cách làm ăn. Qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình khuyến ngư đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

 

Năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư triển khai mô hình hỗ trợ người nghèo nuôi cá lóc lai đen tại 3 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân và Phú Hòa. Bà con cải tạo ao theo đúng quy trình, chọn giống tốt và chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nuôi theo đúng kỹ thuật, cá không bị dịch bệnh. Sau từ 4-7 tháng nuôi, tổng doanh thu mà mô hình này mang lại là 117.250.000 đồng, trừ chi phí 89.114.300 đồng, thu lãi 28.135.700 đồng.

 

Năm 2006, cùng với việc triển khai mô hình hỗ trợ các hộ nghèo nuôi cá chép tại xã Sơn Thành Tây, nuôi cá lóc lai đen tại Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) và tại xã An Nghiệp (huyện Tuy An), Trung tâm Khuyến ngư còn mua con giống hỗ trợ cho 22 hộ nghèo ở các huyện Đông Hòa và Sơn Hòa. 100% số hộ được hỗ trợ cá giống đều nuôi đạt hiệu quả và có lãi trung bình 200.000đ/hộ với tổng chi trung bình 1.000.000đ/hộ. Tổng lợi nhuận từ 22 hộ trên là 4.400.000đ.

 

Mô hình nuôi thâm canh cá lóc, nuôi quảng canh cải tiến cá chép mang lại tổng doanh thu 121.325.000 đồng, trừ chi phí 84.000.000 đồng, thu lãi 37.325.000 đồng.

 

Sau 2 năm triển khai chương trình, có 6 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình trình diễn và 22 hộ được hưởng lợi từ mô hình hỗ trợ cá giống, bước đầu nuôi cá thành công, có lãi. Trung tâm đã tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho 280 người thuộc diện nghèo trên các địa bàn, tổ chức 3 cuộc hội thảo đầu bờ, có 140 người nghèo được trực tiếp trao đổi, học tập kinh nghiệm nuôi cá lóc và các đối tượng cá nước ngọt khác.

 

Chi phí cho một đơn vị diện tích nuôi cá tương đối cao, nếu không có sự trợ giúp thì những người nghèo khó có thể xoay xở được. Tuy nhiên, lợi nhuận mà mô hình hỗ trợ người nghèo đem lại tương đối cao, thời gian nuôi ngắn và có thể áp dụng với qui mô nhỏ, thả mật độ thấp, tận dụng thức ăn sẵn có  tại địa phương (cua, ốc bươu vàng) phù hợp với khả năng của người nghèo.

 

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy: Tuy cá lóc dễ nuôi, nhưng lại nhuận của mô hình phụ thuộc nhiều yếu tố: Chất lượng giống, tỉ lệ sống, mật độ thả nuôi, trình độ chăm sóc quản lý, giá thức ăn, giá sản phẩm tiêu thụ…

 

Cá lóc thương phẩm tại địa bàn Phú Yên trong những năm gần đây tiêu thụ tốt với cỡ từ 0,6kg/con đến 1kg/con. Hiện tại bà con nuôi cá lóc ở Phú Yên chủ yếu sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá lóc. Thời gian gần đây, thức ăn của cá lóc bị đội giá lên cao do nghề nuôi tôm hùm phát triển đã làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận khi nuôi thương phẩm cá lóc.

 

Cá chép dễ nuôi, nhưng nếu nuôi trong ao nghèo dinh dưỡng và không có ốc phát triển tốt thì cá chậm lớn, lợi nhuận thấp.

 

Nuôi các loại cá truyền thống nên thả giống với mật độ thưa, ghép các giống loài có tính ăn khác nhau và cần bổ sung thức ăn ưa thích cho từng giống loài cụ thể để bảo đảm cho sự tăng trưởng phát triển của cá.

 

Tuy nuôi cá lóc dùng thức ăn tươi là chính, nhưng ở mô hình này, bà con nuôi với qui mô nhỏ và phân tán nên không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, có thể thả ghép thêm cá rô phi, chép và trôi… để tận dụng thức ăn thừa, phân của cá lóc, xử lý môi trường, tăng chất lượng nước nuôi ngay tại từng ao nuôi.

 

Mô hình thả giống hỗ trợ có thể tận dụng mọi loại mặt nước hiện có, vừa đem lại thu nhập cho bà con ngư dân nghèo, vừa có tác dụng cải thiện môi trường nước, tiêu diệt ấu trùng muỗi có hại trên diện rộng.

 

Nuôi cá lóc và nuôi cá chép vẫn là những mô hình hiệu quả với qui mô vừa và nhỏ và không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

 

Các mô hình trên đều dễ áp dụng và đem lại hiệu quả rõ rệt, được đông đảo bà con ngư dân tại địa phương hưởng ứng.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nguồn giống cá lóc có chất lượng cao rất khan hiếm. Việc bà con mua lẻ với số lượng ít để thả nuôi trên qui mô nhỏ khó kiểm soát về mặt chất lượng giống. Cá lóc lai đen dễ nuôi, thích nghi tốt với khí hậu ở Phú Yên, qua 2 năm triển khai mô hình chưa có bệnh xảy ra trên cá nuôi. Thời gian tới cần chú trọng đến việc nhân rộng mô hình này một cách phù hợp nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về tự nhiên và xã hội, đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có khả năng tham gia mạnh vào thị trường, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con nông ngư dân tại địa phương.

 

NGUYỄN KHẮC TÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đóng mới tàu trọng tải 4000 tấn
Thứ Sáu, 26/01/2007 14:02 CH
“Cơn lốc” điện thoại Trung Quốc
Thứ Sáu, 26/01/2007 14:00 CH
Bao giờ tàu thuyền được ra khơi?
Thứ Sáu, 26/01/2007 08:07 SA
Đưa tàu lai Vũng Rô 01 vào khai thác
Thứ Sáu, 26/01/2007 08:07 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek