Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, với nhiều quy định thiết thực nhưng lại chưa phát huy đúng mức. Để luật thực sự đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cần được tăng cường và có những hành động thiết thực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD).
Đối với các kênh bán lẻ hiện đại, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm - Ảnh: N.XUÂN
BVQLNTD không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và toàn xã hội. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, người dân được tự do kinh doanh, mua bán thì vấn đề BVQLNTD càng bức thiết. Trong khi đó, mặc dù Pháp lệnh BVQLNTD đã có từ năm 1999 và Luật BVQLNTD cũng có hiệu lực gần 2 năm nhưng công tác này vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử phạt và bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác BVQLNTD chưa được quy định một cách rõ ràng nên các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không được phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để. Người tiêu dùng khi bị xâm hại chưa biết đến cơ quan, đơn vị nào khiếu nại; hoặc có đi khiếu kiện thì lại có quá nhiều thủ tục rườm rà, tốn thời gian nên đành bỏ cuộc.
Hiện nay, Hội BVQLNTD Phú Yên chưa được củng cố, kiện toàn nên công tác BVQLNTD trên địa bàn tỉnh cũng chưa được quan tâm đúng mức. Với chức năng đơn vị quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức các hội thảo về BVQLNTD theo kinh nghiệm của Nhật Bản; tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, ban quản lý các chợ về các văn bản pháp luật mới nhất của lĩnh vực này; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và tổ chức đường dây nóng phát hiện, tố cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Luật BVQLNTD tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản như quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tự bảo vệ mình; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác BVQLNTD và việc xã hội hóa công tác BVQLNTD, đặc biệt là tạo điều kiện để tổ chức BVQLNTD hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh Luật BVQLNTD còn có Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật này và Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD.
Để Luật BVQLNTD đi vào cuộc sống một cách thiết thực, trong năm nay, Sở Công thương sẽ hoàn tất các thủ tục để thành lập Hội BVQLNTD tỉnh. Sau khi thành lập và kiện toàn bộ máy hoạt động của hội, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng để tăng cường hiểu biết cho người dân; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các buổi gặp gỡ người tiêu dùng để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng nhằm phát huy Luật BVQLNTD, góp phần tạo lập được môi trường kinh doanh lành mạnh và đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
HUỲNH CÔNG ĐIỀM
Phó giám đốc Sở Công thương